Nhà kho chứa VLNCN của mỏ đá Khe Diều, nơi để xảy ra vụ mất cắp 4.700 kíp nổ
Trao đổi với phóng viên báo Dân sinh, ông Lê Quốc Anh, Giám đốc điều hành mỏ đá Hương Thọ (thôn Hòa An, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) thuộc Công ty TNHH nhà nước một thành viên khoáng sản Thừa Thiên Huế cho biết, tối ngày 2/7/2016 kẻ gian đã cắt hàng rào thép gai, khóa chống trộm, đột nhập vào kho chứa kíp nổ tại mỏ đá, lấy đi hơn 4.500 kíp nổ mìn.
“Kẻ gian đi vào và cắt hàng rào thép gai từ phía góc khuất sau đó vô hiệu hóa hệ khóa chống trộm, lấy ra khỏi kho 4.700 cái kíp nổ mìn, nhưng chúng vứt lại hơn 100 cái. Số kíp bị mất là 4.575 cái”, theo lời ông Quốc Anh.
Cũng theo ông Quốc Anh, toàn bộ số kíp nổ này hiện chưa thu hồi được và sự việc đang được Công an tỉnh Thừa Thiên Huế điều tra.
Đây là một trong 2 vụ mất thiết bị kích hoạt động gây chấn động dư luận Thừa Thiên Huế.
Vụ mất kíp nổ thứ 2 xảy ra cách đây hơn 1 tháng tại mỏ đá Khe Diều (thôn Thủy Cam, xã Lộc Thủy, Phú Lộc) thuộc Công ty CP vật liệu xây dựng 368. Thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được, tổng số kíp nổ bị mất tại mỏ đá Khe Diều là 4.700 cái. Như vậy, chỉ trong vòng vài tháng, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế kẻ gian đã đánh cắp hơn 9.000 cái kíp nổ, một số lượng quá lớn. Cả 2 vụ việc hiện nay vẫn đang trong quá trình điều tra của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quy định bảo quản VLNCN của Nhà nước rất nghiêm ngặt, nhưng liệu các doanh nghiệp đã tuân thủ một cách đầy đủ?
Tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Lê Tự Dũng, PGĐ Sở Công thương Thừa Thiên Huế cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có 31 đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), 25 kho chứa VLNCN, trong đó có 20 đơn vị khai khoáng, 11 đơn vị xây dựng công trình.
“Quy trình để được cấp phép sử dụng VLNCN được quy định rất chặt chẽ tại công Nghị định, Thông tư của Nhà nước. Trước khi được cấp phép sử dụng, doanh nghiệp phải được cấp phép an ninh trật tự kho chứa, giấy phép phòng chống cháy nổ, rồi mang đến Sở Công thương để chúng tôi thẩm định trước khi trình UBND tỉnh cấp nếu đủ điều kiện”, ông Dũng cho hay.
Đối với việc kiểm soát thất thoát VLNCN, ông Dũng cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về đơn vị, doanh nghiệp. Các lực lượng chức năng, lực lượng liên ngành nhà nước chỉ tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất.
Sau khi xảy ra việc mất cắp kíp nổ với số lượng lớn thời gian qua, ngày ngày 14/2/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND, nhằm kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại trong các hoạt động liên quan đến VLNCN và an toàn khai thác mỏ lộ thiên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong hoạt động vận chuyển và sử dụng VLNCN.
Nội dung của chỉ thị có đoạn: “Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các vụ trộm cắp, buôn bán, sử dụng, vận chuyển trái phép VLNCN trên địa bàn trong thời gian qua; kịp thời thu hồi VLNCN bị mất cắp. Tăng cường công tác xác nhận, kiểm tra tình hình thực hiện và duy trì các điều kiện về an ninh trật tự đối với các đơn vị doanh nghiệp hoạt động VLNCN. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý Vũ khí - Vật liệu nổ - Công cụ hỗ trợ để người dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan nêu cao ý thức chấp hành pháp luật”.
Điều 23. Bảo quản vật liệu nổ công nghiệp (NĐ Số: 39/2009/NĐ-CP Về vật liệu nổ công nghiệp) 1. Chỉ các tổ chức có giấy phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn được đầu tư xây dựng kho chứa vật liệu nổ công nghiệp. Việc đầu tư, xây dựng, mở rộng, cải tạo kho chứa vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định pháp luật liên quan. 2. Vật liệu nổ công nghiệp phải được bảo quản tại các kho chứa, địa điểm thỏa mãn các yêu cầu về an ninh, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về cấu trúc, vật liệu xây dựng và thỏa mãn các yêu cầu về phòng cháy, phòng nổ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện, an toàn cho người lao động và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các quy định liên quan. 3. Lãnh đạo quản lý, thủ kho, người bảo vệ canh gác, người phục vụ liên quan đến bảo quản vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến bảo quản vật liệu nổ công nghiệp. 4. Trong quá trình hoạt động, ngoài các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định tổ chức, cá nhân quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện các quy định sau đây: a) Trang bị các thiết bị, phương tiện phục vụ việc bảo vệ canh gác, phòng cháy, phòng nổ, thông tin liên lạc, bốc dỡ và cấp phát vật liệu nổ công nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và quy định pháp luật liên quan. Không được sử dụng kho chứa vật liệu nổ công nghiệp cho các mục đích khác trong thời hạn hiệu lực quy định của giấy phép hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; b) Xây dựng phương án chữa cháy, phương án bảo vệ an ninh trật tự, biện pháp xử lý và phối hợp với chính quyền địa phương trong các trường hợp có cháy, người xâm nhập trái phép và các trường hợp khẩn cấp khác. Đăng ký danh sách người quản lý, thủ kho, người phục vụ với cơ quan công an địa phương; c) Căn cứ tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, xây dựng quy trình thủ tục về canh gác bảo vệ, kiểm tra, kiểm soát người ra vào, người làm việc trong kho, thủ tục xử lý, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp mất phẩm chất. Việc xuất nhập, cấp phát vật liệu nổ công nghiệp phải đúng quy trình, đối tượng đã được lãnh đạo đơn vị phê duyệt. |