Theo lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, sự kiện được tổ chức nhằm tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy phục hổi ngành du lịch của địa phương trong trạng thái bình thường mới, từng bước đưa ngành du lịch tỉnh nhà trở lại bình thường khi dịch bệnh trong nước và quốc tế đang dần được kiểm soát và ổn định.
Hội nghị là diễn đàn cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh cùng các cơ quan quản lý nhà nước trao đổi, đề xuất các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; các ý tưởng, giải pháp và định hướng phục hồi du lịch tỉnh trong trạng thái bình thường mới. Hội nghị cũng là dịp để tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện truyền thông quảng bá rộng rãi về Thừa Thiên - Huế - Một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn cùng chương trình kích cầu du lịch của tỉnh liên kết với các tỉnh, thành miền Trung nhằm góp phần thúc đẩy phục hồi ngành du lịch Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các giải pháp nhằm khôi phục ngành du lịch, như: tiếp tục rà soát các giải pháp đảm bảo an toàn trong phát triển du lịch; tập trung triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và kích cầu du lịch; phát động sự sẵn sàng, chuẩn bị của các doanh nghiệp, điểm đến; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu và hình thành một số sản phẩm mới, đặc trưng phù hợp với tình hình mới; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch; triển khai chiến dịch truyền thông, quảng bá mang tầm quy mô trên các phương tiện hữu hiệu nhất hiện nay; và cơ cấu, rà soát nguồn nhân lực du lịch và giải pháp hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực do ảnh hưởng của dịch
Ông Vũ Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, nhằm khôi phục hoạt động du lịch trở lại trạng thái bình thường trong tình hình mới, Chính phủ cần xem xét cho phép giảm 50% thuế VAT đối với các doanh nghiệp du lịch từ 10% xuống 5% trong cả năm 2021; cho phép giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt cho hoạt động phục vụ khách du lịch của các sân Golf; cho phép chuyển đổi tạm thời Giấy phép lữ hành quốc tế sang Giấy phép lữ hành nội địa để chuyển mức ký quỹ của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ 500 triệu VNĐ xuống 100 triệu VNĐ; thay đổi giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch;
Các quy định về giảm tiền thuế đất, về giãn nộp thuế, đề nghị Chính phủ cho áp dụng cả năm 2021, đồng thời chỉ đạo các ngành có những điều chỉnh phù hợp với đặc thù của ngành Du lịch. Chính phủ cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp du lịch được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ để duy trì lực lượng lao động chủ chốt của ngành trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch năm 2020, do việc đóng cửa biên giới và các biện pháp giãn cách để ngăn chặn Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành Du lịch chỉ có thể phục hồi sau khi dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được kiểm soát và các hoạt động giao thương kinh tế thế giới trở lại bình thường. Tổ chức Du lịch thế giới dự báo quá trình phục hồi du lịch quốc tế có thể bắt đầu từ Quý III năm 2021.
Cũng theo ông Khánh, hiện nay Tổng cục Du lịch đang phối hợp xây dựng Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam để trình Lãnh đạo các cấp xem xét. Bên cạnh đó du lịch nội địa tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh kích cầu,nâng cao hiệu quả liên kết giữa các địa phương, các bên hãng hàng không, lữ hành, khách sạn và các đối tác; tăng cường số hóa lĩnh vực du lịch và triển khai các hoạt động e-marketing.Tổng cục Du lịch đang tiếp tục phối hợp đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ, đồng hành để doanh nghiệp du lịch để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ông Khánh đề nghị, Thừa Thiên - Huế chủ động đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong cả nước, hình thành và triển khai liên minh kích cầu, quảng bá hình ảnh điểm đến. Đồng thời, địa phương cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, điều phối, kêu gọi sự liên kết, hợp tác hiệu quả hơn giữa các điểm đến, các doanh nghiệp du lịch và hàng không để hình thành cácsản phẩm mới, chương trình kích cầu phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển hoạt động kinh tế đêm.
Mặt khác, Thừa Thiên - Huế nói riêng, các địa phương trong cả nước nói chung cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; nghiên cứu khả năng xây dựng "sàn giao dịch du lịch trực tuyến", xây dựng hệ thống thuyết minh audio tự động, chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi phát triển du lịch… Tổ chức các diễn đàn, hình thành cơ chế kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đối tác hiến kế và đóng góp, tham gia chiến dịch thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh nhà trong tình hình mới và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo.