A Lưới là huyện miền núi biên giới nằm phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng số hộ dân là 13.830 hộ, 52.037 khẩu với 28 dân tộc anh em đang sinh sống, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 77,5%. Đây được xem là căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, là vùng đất lưu giữ nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, xác định văn hóa là nhân tố quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, địa phương này luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. A Lưới luôn chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Đặc biệt, Đề án "Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 – 2020" được triển khai thực hiện đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số A Lưới. Sau 6 năm thực hiện, nhiều lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực, các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghề thủ công truyền thống được bảo vệ, tôn tạo và phát huy...
Kết quả nổi bật là năm 2016, nghề dệt Dèng của người Tà Ôi (A Lưới) được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đến năm 2019, Lễ hội A Da Koonh – Mừng lúa mới, Tết truyền thống của người Pa Cô được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống được duy trì và phát huy, như: A Riêu Piing, A Riêu Car, A Da... phù hợp với thuần phong mỹ tục và quy định của pháp luật. Hàng năm, người dân A Lưới thường tổ chức Lễ hội A Da lồng ghép Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc 18/11, tạo nên không khí đoàn kết, vui tươi, sôi nổi trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống được bảo tồn và phát huy qua nhiều phương pháp và hình thức. Nhiều lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ được mở thu hút được trên 200 học viên tham gia và trên 57 nghệ nhân truyền dạy. A Lưới cũng đã thành lập trên 60 đội văn nghệ dân gian của các làng văn hóa. Chuyển thể các bài hát từ lời Việt sang lời Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, từ lời Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu sang lời Việt. Thực hiện thành công Đề tài "Dịch chuyển lời 20 ca khúc viết về Đảng, Bác Hồ và ca ngợi quê hương A Lưới" nhằm phát huy truyền thống văn hóa, cốt cách đồng bào các dân tộc, đưa văn hóa truyền thống thấm sâu vào đời sống xã hội.
Đến nay, huyện có 170 nghệ nhân lớn tuổi am hiểu về lĩnh vực văn hóa phi vật thể như: Dân ca, dân, nhạc, dân vũ; quy trình lễ hội; ca dao, tục ngữ, câu đố, hoa văn, họa tiết trên nhà Roong, Moong, Gươl, Piing, sản phẩm điêu khắc, đan lát, dèng, phong tục tập quán... và dành nhiều tâm huyết trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Đặc biệt, huyện A Lưới cũng có nhiều nghệ nhân vinh dự được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.
Ngoài ra, việc thực hiện công tác phối hợp tổ chức các hoạt động, sự kiện với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng được huyện A Lưới quan tâm. Địa phương này đã phối hợp với Viện hàn lâm Ngôn ngữ Việt Nam đưa vào giảng dạy tiếng dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu... ở 5 trường học và tổ chức mở các lớp dạy tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức và người lao động trên địa bàn. Ngôn ngữ các dân tộc được phát huy, lưu giữ trong cộng đồng tại 97 làng, tổ dân phố. Công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa được thực hiện tốt.
Trong giai đoạn 2014 – 2020, A Lưới đã tổ chức thành công nhiều hoạt động lớn, như: Ngày hội các dân tộc thiểu số huyện A Lưới năm 2015; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XII năm 2017; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc huyện A Lưới lần thứ II năm 2018... với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch sôi nổi, phong phú, đa dạng. Phối hợp tổ chức thành công Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm 2019; "Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây - Đường qua A Lưới"; "Liên hoan Tuyên truyền lưu động toàn quốc "Trường Sơn - Con đường huyền thoại".