Lớp dạy nghề may công nghiệp nâng cao tại TT Dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế
Về cơ sở vật chất, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 36 cơ sở tham gia hoạt động GDNN. Trong đó có: 8 trường cao đẳng (CĐ), 6 trường trung cấp (TC), 12 trung tâm GDNN và 10 cơ sở khác có hoạt động GDNN.
Đối với việc nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như nghề nghiệp được đưa vào chương trình đào tạo, hiện toàn tỉnh có 6 trường với 12 nghề được Bộ LĐ – TB&XH lựa chọn đầu tư nghề trọng điểm giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó: Nghề đạt cấp độ quốc tế có 4 nghề (du lịch) của Trường CĐN Du lịch Huế; nghề đạt cấp độ khu vực Asean có 1 nghề (kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp) của Trường CĐN TTH và nghề đạt cấp độ quốc gia có 7 nghề (của các trường: Trường CĐN số 23, Trường CĐN TTH, Trường TCN Huế, Trường TCN Quảng Điền, Trường TCN số 10). Ngoài trường và nghề trọng điểm, Trường CĐN Du lịch Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1 trong 40 trường nghề được tập trung đầu tư để trờ thành trường nghề có chất lượng cao.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về công tác rà soát, sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch các cơ sở GDNN, UBND tỉnh đã chỉ đạo Liên ngành (gồm các Sở LĐ– TB &XH, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, UBND thành phố Huế, UBND huyện Quảng Điền…) tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn bộ các hoạt động các trường dạy nghề thuộc địa phương quản lý. Trên cơ sở đề nghị của Liên sở, UBND tỉnh đã có quyết định giải thể Trường TCN Huế do nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động và chuyển giao nhiệm vụ đào tạo cho Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Huế kế thừa giải quyết. Từ tháng 7/2016 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có Quyết định thành lập các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện (9/9 địa phương) trên cơ sở sát nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật - tổng hợp và hướng nghiệp công lập cấp huyện, thị xã, thành phố. Đến tháng 2/2017, liên sở Giáo dục – Đào tạo và Sở LĐ – TB&XH đã tiến hành bàn giao chức năng, nhiệm vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Không chỉ đầu tư nâng cấp, đổi mới cơ sở vật chất, trang thiết bị GDNN, mà số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo các cơ sở GDNN ở Thừa Thiên Huế không ngừng được nâng lên (đặc biệt là số nhà giáo đạt chuẩn). Chính những yếu tố này đã tạo động lực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp tỉnh nhà. Hiện nay toàn tỉnh có 841 giảng viên, giáo viên trong các cơ sở GDNN, trong đó có 192 giảng viên có trình độ trên đại học (chiếm 22,83%), 450 nhà giáo có trình độ đại học (chiếm 53,51%), 59 nhà giáo đạt chứng chỉ kỹ năng nghề và 734 nhà giáo có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (chiếm 87.27%).
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý GDNN cũng không ngừng tăng lên. Thừa Thiên Huế có 256 cán bộ quản lý trong các cơ sở GDNN, trong đó có 34 cán bộ có trình độ trên đại học (chiếm tỷ lệ 13.28%), 164 cán bộ có trình độ đại học (chiếm tỷ lệ 64.06%). Cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ bản được bố trí phù hợp với cơ cấu tổ chức của trường, trung tâm, có trình độ, kinh nghiệm và đạt chuẩn.
Với mạng lưới GDNN được đổi mới, sắp xếp hợp lý, đội ngũ giáo viên dạy nghề, cán bộ quản lý được tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng, công tác GDNN ở Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả hết sức khả quan. Theo đó, trong năm 2016 hệ thống GDNN tại Thừa Thiên Huế đã tuyển sinh được 16.848 học sinh, sinh viên. Bao gồm: 2.654 sinh viên cao đẳng, chiếm tỷ lệ 15.75%; 1.931 học sinh trung cấp, chiếm tỷ lệ 11.46%; 12.263 lao động học sơ cấp nghề và dưới 3 tháng, chiếm tỷ lệ 72.79%. Trong đó, có 2.610 lao động nông thôn học nghề theo Đề án 1956 về dạy nghề cho LĐNT, đạt tỷ lệ 105% so với kế hoạch.
6 tháng đầu năm 2017, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã tuyển sinh mới 5.841 học sinh, sinh viên học nghề, đạt 51,26% kế hoạch (75 sinh viên cao đẳng, 124 học sinh trung cấp, 5.121 học viên sơ cấp và 521 học viên dưới 3 tháng).
Có thể nói, việc đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp tại Thừa Thiên Huế đã góp phần đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật có chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề; có đủ điều kiện và khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, vùng kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH cho tỉnh nhà.
Chất lượng và hiệu quả GDNN có bước chuyển biến tích cực (khoảng 90% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và khoảng 80% học sinh tốt nghiệp trung cấp tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp; học viên một số nghề đào tạo ngắn hạn (nghề may công nghiệp, du lịch, dịch vụ...) đều tìm được việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp. Mạng lưới cơ sở GDNN từng bước được củng cố và phát triển; cơ sở vật chất, thiết bị đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại. Các đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật, lao động nông thôn, hộ nghèo…được nhà nước hỗ trợ học nghề đã từng bước ổn định việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.