Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2022. Chương trình đã thu hút sự tham gia của gần 500 người lao động, phụ huynh, sinh viên quan tâm đến con đường tìm kiếm việc làm với thu nhập cao ở đất nước Nhật Bản.
Tại chương trình, lãnh đạo các cấp chính quyền đã thông tin về các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động và nhấn mạnh những lợi ích kinh tế mà người lao động mang về cho bản thân, gia đình, địa phương khi lựa chọn tham gia. Không chỉ hỗ trợ về mặt tuyên truyền, tạo điều kiện về hồ sơ, thủ tục, chính quyền các cấp còn ban hành các chính sách mang tính cấp thiết để hỗ trợ bà con khi đi xuất khẩu lao động như: chương trình cho người lao động vay lên đến 100% chi phí không cần thế chấp với lãi suất thấp của hộ nghèo, hỗ trợ không hoàn lại các chi phí ăn ở, đi lại, học ngoại ngữ, v.v... Từ đó, tháo gỡ được cho người dân một trong những mối bận tâm hàng đầu khi quyết định đi làm việc tại nước ngoài đó là vấn đề tài chính.
Người tham dự chương trình cũng được nghe đại diện Công ty Xuất khẩu lao động Daystar chia sẻ nội dung định hướng tương lai - học tập và làm việc tại Nhật Bản. Tại hội nghị, Tổng giám đốc Daystar đã đưa ra những định hướng mới cho các bạn trẻ trên con đường lập thân lập nghiệp.
Nhân dịp này, để hưởng ứng chủ trương vận động của chính quyền thị xã, bên cạnh những gói học bổng, gói hỗ trợ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn mong muốn được đi du học để thay đổi cuộc sống của chính mình, ông Nguyễn Văn Choi - Tổng giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động Daystar đã đích thân trao phiếu hỗ trợ miễn chi phí phí ăn, ở tại kí túc xá của Daystar trong thời gian 8 tháng đối với người đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu lao động ngay trong ngày tổ chức Hội nghị.
Theo lãnh đạo thị xã, 9 tháng đầu năm 2022, Hương Thủy có 141 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó làm việc ở thị trường Nhật Bản là 120 người. Tuy nhiên, so với tiềm năng và thế mạnh về người lao động của thị xã thì con số này vẫn còn khiêm tốn.
Để từng bước giải quyết việc làm cho người lao động, địa phương đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo các xã, phường rà soát nhu cầu về việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động đối với lao động chưa có việc làm và việc làm không ổn định. Tại hội nghị tư vấn, Hương Thủy phấn đấu có từ 50 lao động trở lên đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ông Hồ Dần – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm góp phần giải quyết việc làm hiệu quả cho người lao động, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 5.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn; năm 2021 toàn tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ có 500 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, 9 tháng đầu năm 2022 có 955 người. Nhật Bản vẫn là thị trường chủ lực, được nhiều người lao động lựa chọn, với tỷ lệ 87,6%.
Dự báo, hiện nay nguồn lao động để đưa đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tương đối dồi dào, trong đó chú trọng đến các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người lao động thất nghiệp. Chỉ tính riêng ở thị xã Hương Thuỷ, năm 2022 có 481 hộ nghèo, 696 hộ cận nghèo, 810 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, chưa tính những người đang có việc làm nhưng thu nhập còn khiêm tốn.
Ông Dần cho biết, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thường xuyên phối hợp tham mưu các giải pháp đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là các thị trường ổn định, mức thu nhập cao.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị UBND thị xã Hương Thuỷ nói riêng, các địa phương trên địa bàn tỉnh nói chung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lao động - việc làm, nhất là chính sách về xuất khẩu lao động; chủ động rà soát, nắm bắt nhu cầu của người dân, phối hợp tư vấn, giới thiệu thông tin, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động. Xây dựng mô hình các thôn, xã, phường điển hình về xuất khẩu lao động. Chỉ đạo nghiên cứu, xem xét ban hành các chính sách riêng của địa phương để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động có thời hạn.
Đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động tiếp tục khai thác những thị trường có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản,… Đồng thời, thông tin đầy đủ đến người lao động về chính sách tuyển dụng. Các doanh nghiệp cần có cam kết với người lao động về thời gian đào tạo, thi tuyển, chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển; quản lý, theo dõi tình hình thực hiện và giải quyết kịp thời các chính sách cho người lao động trước, trong và sau khi đi làm việc ở nước ngoài về nước.