Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Thừa Thiên - Huế: Hạn hán kéo dài, hàng trăm ha lúa ở vùng cao A Lưới nguy cơ mất trắng

Do tình hình hạn hán kéo dài, nguồn nước và chất lượng công trình thuỷ lợi không đảm bảo, hàng trăm ha lúa của người dân ở huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên – Huế) đứng trước nguy cơ mất trắng.

Thừa Thiên - Huế: Hạn hán kéo dài, hàng trăm ha lúa ở vùng cao A Lưới trước nguy mất trắng - Ảnh 1.

Người dân A Lưới bất lực, nhìn ruộng lúa chết dần, chết mòn từng ngày vì hạn hán kéo dài, không có nguồn nước để tưới tiêu.

Những ngày này, người dân thôn A Niêng – Lê Triêng 1 và thôn Đụt – Lê Triêng 2, xã Trung Sơn (huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế) không khỏi lo lắng khi diện tích lúa vụ đông xuân đã gieo sạ từ đầu năm đang có dấu hiệu chết khô, vàng úa. Nhiều diện tích ruộng lúa khô nước, nứt nẻ.

Dẫn phóng viên ra thăm ruộng lúa đang bị khô hạn của gia đình tại cánh đồng Lê Triêng, già làng Hồ Văn Át (73 tuổi, thôn Đụt – Lê Triêng 2) cho biết, thời điểm đầu năm 2020, trời mưa nên đồng ruộng có nước và bà con đã tiến hành cày cấy, gieo sạ. Tuy nhiên, sau khi người dân gieo sạ lúa xong đã xảy tình hình hạn hán liên tục kéo dài suốt thời gian qua.

Bên cạnh đó, tại cánh đồng Lê Triêng cũng không có hệ thống mương nước kiên cố đầy đủ. Trước đây, khi làm tuyến đường chạy qua cánh đồng này, chính quyền địa phương đã cùng với người dân xây dựng được khoảng 100m mương nước kiên cố để dẫn nước từ đập dã chiến trên suối Ta Ring về tưới tiêu. Tuy nhiên, nguồn nước ở con suối này hiện nay cũng rơi vào tình trạng khô cạn; đập đắp tạm bợ, nên nguồn nước về cánh đồng bị hạn chế.

"Chúng tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống hồ đập, kênh mương kiên cố để có nước phục vụ tưới tiêu", già làng Át nói.

"Người dân trồng lúa giờ chỉ biết trông chờ vào ông trời và mong nhà nước đầu tư kênh mương. Nếu không, toàn bộ cánh đồng sẽ chết khô dẫn đến bà con thiếu đói", bà Lê Thị Chôm (61 tuổi, thôn A Niêng – Lê Triêng 1) lo lắng.

Bà Lê Thị Chôm sợ lo sợ sẽ bị thiếu đói khi diện tích lúa của gia đình ngày càng vàng úa vì thiếu nước

Bà Lê Thị Chôm lo sợ sẽ bị thiếu đói khi diện tích lúa của gia đình ngày càng vàng úa vì thiếu nước.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo xã Trung Sơn cho biết, hiện xã cũng đang cố gắng khắc phục tình trạng thiếu nước tưới tiêu cho ruộng lúa do tình hình hạn hán kéo dài bằng cách đắp các đập dã chiến, huy động người nạo vét các hệ thống kênh mương…

Ông Hồ Văn Khuých, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 3,4ha lúa chịu hạn hán nặng. Bên cạnh các biện pháp khắc phục nguồn nước, xã cũng đã lên phương án trước mắt là vận động người dân chuyển đổi cây trồng. "Đối với diện tích hạn nặng, xã đã bàn bạc và tới đây sẽ vận động, kêu gọi người dân chuyển đổi cây trồng ngắn hạn, từ trồng lúa sang trồng cây hoa màu khác như ngô, đậu. Vào thời điểm này, cây ngô là phù hợp nhất. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn chuyển đổi các diện tích này thành vùng trồng rau sạch, chất lượng cao để cung cấp cho thị trường, qua đó tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân", ông Khuých cho biết.

Thừa Thiên - Huế: Hạn hán kéo dài, hàng trăm ha lúa ở vùng cao A Lưới trước nguy mất trắng - Ảnh 3.

Xã Trung Sơn đắp đập dã chiến trên suối Ta Ring để lấy nước về tưới tiêu cho cánh đồng Lê Triêng.

Thừa Thiên - Huế: Hạn hán kéo dài, hàng trăm ha lúa ở vùng cao A Lưới trước nguy mất trắng - Ảnh 4.

Nguồn nước cạn kiệt, trong khi hồ đập, hệ thống dẫn nước tạm bợ nên nước về đến đồng ruộng không đảm bảo.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Nghiếu, Chủ tịch UBND xã và ông Hồ Văn Lai, Chủ tịch HĐND xã Trung Sơn, việc khó nhất chính là thay đổi ý thức canh tác, sản xuất của người dân. Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hạn hán liên tục xảy ra, xã Trung Sơn cũng đã nhiều lần tổ chức vận động, tuyên truyền người dân chuyển đổi cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống như hiện nay để thích ứng với thiên nhiên. 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì vận động người dân. Tới đây, xã sẽ tổ chức các hội nghị và đề nghị Phòng Nông nghiệp huyện, các chuyên gia cùng tham dự để tuyên truyền cho người dân về cách chuyển đổi cây trồng phù hợp. Đồng thời hỗ trợ giống, tập huấn chuyển giao kiến thức canh tác, sản xuất mới", ông Nghiếu cho biết.

Thừa Thiên - Huế: Hạn hán kéo dài, hàng trăm ha lúa ở vùng cao A Lưới trước nguy mất trắng - Ảnh 5.

Đồng ruộng nằm rải rác, không tập trung nên việc xây dựng hệ thống thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu những diện tích nhỏ lẽ là một bài toán khó.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, trên địa bàn toàn huyện có khoảng 300ha lúa vụ đông xuân bị thiếu nước tưới tiêu dẫn đến khô hạn. Các xã là "điểm nóng" về hạn hán, gồm: A Ngo, Sơn Thuỷ, Quảng Nhâm, Phú Vinh, Lâm Đớt, Trung Sơn và thị trấn A Lưới. Trước đó vào năm 2019, toàn huyện A Lưới cũng có hơn 70ha lúa nước bị mất trắn do hạn hán kéo dài.

Cũng theo ông Ngưm, hiện A Lưới có 86 công trình thuỷ lợi nằm rải rác trên các xã, thị trấn. Các công trình này phần lớn là công trình tạm, bán kiên cố. Nhiều công trình do các chương trình, dự án đầu tư xây dựng đã khá lâu, nay đã xuống cấp, hư hỏng.

Trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, nắng nóng nhiệt độ cao kết hợp gió Tây Nam hoạt động mạnh, dẫn đến nguồn nước sông, suối và mực nước trong các hồ chứa giảm mạnh; tình hình hạn hán có nguy cơ kéo dài trên diện rộng, huyện A Lưới đã có phương án phòng, chống hạn sản xuất nông nghiệp năm 2020.

Theo ông Ngưm, tạm thời huyện A Lưới sẽ sử dụng các máy bơm dầu lưu động, tận dụng các hồ, suối để chủ động bơm tưới tiêu cho lúa khi cần thiết. Đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhỏ các công trình thuỷ lợi hư hỏng, xuống cấp. Trong vụ hè thu sắp tới, các vùng ruộng có khả năng khô hạn nặng do nguồn nước cạn kiệt thì địa phương sẽ kiên quyết và vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng.

Mặt khác, A Lưới cũng đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ và thi công đối với các công trình đã được cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ kinh phí. Đối với các công trình thuỷ lợi đang thi công, chọn phương án thi công tối ưu nhất để không làm ảnh hưởng đến nước tưới tiêu. Một số công trình như: Trạm bơm điện A Ngo, Điền Sơn (xã Sơn Thuỷ), Pa Lanh (Trung Sơn) cần đẩy nhanh thi công và hoàn thành vào đầu tháng 4/2020 để kịp thời phục vụ hè thu ngay từ đầu vụ.

Về lâu dài, huyện A Lưới sẽ đầu tư xây dựng các hồ chứa lớn và kiên cố hoá các công trình thuỷ lợi theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, theo ông Ngưm, việc đầu tư hệ thống thuỷ lợi tại A Lưới tương đối khó khăn khi diện tích trồng lúa nằm rải rác, không tập trung. Do đó, công trình xây dậy phải nhiều, đòi hỏi kinh phí lớn trong khi diện tích sử dụng lại ít.

Về việc thay đổi ý thức canh tác, chuyển đổi cây trồng mà địa phương kêu khó, ông Ngưm thừa nhận đây là sự thật. "Chúng tôi đã mất 30 năm mới vận động được người dân trồng lúa nước. Nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài trên diện rộng, việc kêu gọi người dân chuyển từ trồng lúa sang cây trồng khác phù hợp không phải là chuyện một sớm, một chiều", ông Ngưm nói.

Có thể nói, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hạn hán kéo dài đã và đang trở thành một "cuộc chiến" cam go cho nhiều địa phương. Việc chuyển mình cho phù hợp không phải không thể làm được. Được biết, ngay tại địa bàn huyện A Lưới hiện nay cũng đã có nhiều mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các cây lương thực, hoa màu khác đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Trồng chuối già lùn, trồng hoa, rau sạch trong nhà kính, nhà lưới…