Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thừa Thiên Huế tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em

Trong những năm gần đây, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em ở Thừa Thiên Huế diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ nạn nhân bị xâm hại đến từ người thân, quen khá cao; phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Thực hiện thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ngừng đẩy mạnh công tác này và đã đạt được những kết quả tích cực.

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế, tính từ ngày 01/7/2019 đến 30/6/2021, trên địa bàn tỉnh có 45 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 6 vụ bạo lực trẻ em, 27 vụ xâm hại tình dục trẻ em và 12 vụ bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em. Khoảng 90% số vụ được phát hiện những kẻ xâm hại tình dục có quen biết với gia đình và nạn nhân và trên 25% vụ việc xâm hại tình dục đã có sự đồng thuận thuận của nạn nhân.

Nếu trước đây, đối tượng xâm hại thường lợi dụng sự sơ hở, chủ quan của gia đình, sự non nớt, thiếu hiểu biết của trẻ em để lừa gạt hoặc dùng vũ lực đe dọa, uy hiếp để xâm hại trẻ em; thì hiện nay các đối tượng xâm hại thường tiếp cận, dụ dỗ, mua chuộc trẻ em; đáng lưu ý là việc lợi dụng mạng internet, mạng xã hội để tiếp cận, lừa gạt để thực hiện các hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tinh thần, sự phát triển của trẻ em mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội.

Trước thực trạng đó, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã ban hành các văn bản về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng một cách kịp thời, đầy đủ; đồng thời huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xâm hại trẻ em luôn được các cấp, các ngành ở Thừa Thiên Huế coi trọng.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xâm hại trẻ em luôn được các cấp, các ngành ở Thừa Thiên Huế coi trọng.

Sở LĐ-TB&XH đã hướng dẫn tuyên truyền và nhận thức tầm quan trọng trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương. Đồng thời, tiến hành chỉ đạo tổ chức rà soát và kịp thời phát hiện xử lý khi có trường hợp trẻ em bị bạo lực và xâm hại xảy ra, bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác thông tin - giáo dục truyền thông về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Hàng năm, vào các dịp Tết cổ truyền, Quốc tế thiếu nhi, lễ hội...

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH và các Sở, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực trong gia đình. Đặc biệt, trong các dịp Tháng hành động vì trẻ em, Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, kỳ nghỉ hè...; kịp thời biểu dương, giới thiệu gương điển hình tiên tiến trong việc chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cảnh báo những hành vi ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động trẻ em đến các tầng lớp nhân dân để nhận biết, tham gia phòng, chống, ngăn chặn một cách hiệu quả.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thường xuyên công tác giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, ngăn ngừa xâm hại trẻ em; xây dựng đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục, đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho học sinh một cách thiết thực và phù hợp; tăng cường cơ sở vật chất và đảm bảo thiết chế tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh tham gia và tránh xa các tệ nạn xã hội. Tính đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh trong học đường.

Ngành Tư pháp đã tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên sâu theo từng chuyên đề, lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; quản lý chặt chẽ, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kết hôn, nuôi con nuôi nhằm tránh việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người, xâm hại tình dục trẻ em; hướng dẫn triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ nạn nhân bị mua bán người. 

Sở Y tế đã quán triệt và chỉ đạo Trung tâm Giám định y thực hiện tốt công tác giám định đối với trẻ em bị xâm hại tình dục, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại; không ngừng nâng cao năng lực kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tăng cường chỉ đạo các phòng chuyên môn nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em không để xảy ra tồn đọng và xử lý kịp thời; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Thường xuyên nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, quy trình, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý đối với hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, và các biện pháp điều tra thân thiện đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục...

Lực lượng công an tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em tại các trường học

Lực lượng công an tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em tại các trường học

Một số tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục

Bên cạnh những kết quả nêu trên, theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, bị xâm hại, bị tai nạn, thương tích (nhất là đuối nước) và trẻ em vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Một số hoạt động về bảo vệ trẻ em đề ra nhưng chưa được thực hiện. Các thiết chế văn hóa, thông tin và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu và chất lượng còn hạn chế, nhất là ở các xã miền núi, các xã đặc biệt khó khăn. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện; kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về công tác trẻ em chưa đầy đủ; nhận thức của một bộ phận gia đình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế. Công tác truyền thông vận động, nâng cao năng lực về công tác trẻ em được chưa thường xuyên; đối tượng trẻ em và gia đình có trẻ em, nhất là vùng sâu, vùng xa được truyền thông trực tiếp còn ít; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở phần lớn không ổn định, kiêm nhiệm nhiều việc. Sự phối hợp của một số ngành, đoàn thể địa phương trong hoạt động lồng ghép công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em có lúc chưa nhịp nhàng, hiệu quả chưa cao. Do ảnh hưởng và việc phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh nên một số hoạt động bị đình trệ, chưa được thực hiện kịp thời, đầy đủ.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các quy định của luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội; Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Chương trình, kế hoạch, dự án của Trung ương giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030; Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa vi phạm, xâm hại trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là tin báo, tố giác liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời, đầu tư nguồn lực, huy động sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh.