9
Hội nghị được tổ chức theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 6 điểm cầu. Các đối tượng tham gia tập huấn là lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ thuộc Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố Huế cùng 141 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hội nghị tập huấn sẽ trang bị những quy định của pháp luật, chính sách về ATVSLĐ, Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các kỹ năng, nghiệp vụ tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ, qua đó nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện và cấp xã trong tổ thực hiện công tác ATVSLĐ tại địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Dần – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, những năm qua, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công tác ATVSLĐ được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có chiều hướng gia tăng.Trong năm năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra 124 vụ tai nạn lao động làm chết 9 người, bị thương nặng 1 người (trong đó, phần lớn xảy ra tại khu vực không có quan hệ lao động). Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, lao động làm nghề xây dựng tự do,…
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên tuyền thực hiện các giải pháp đảm bảo công tác ATVSLĐ, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ của các cấp các cấp, ngành vẫn chưa thường xuyên, chỉ tập trung vào các đợt cao điểm.
Trước tình hình đó, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa và hạn chế tối đa thiệt do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn cải thiện điều kiện lao động, việc thực hiện các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ của các cơ quan, đơn vị có liên quan có vai trò rất quan trọng.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác ATVSLĐ. Thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết phê duyệt Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có Dự án 3 – Tăng cường ATVSLĐ. Cụ thể, các hoạt động với mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Để phấn đấu và thực hiện được những mục tiêu trên, Chương trình được triển khai bằng nhiều hoạt động, trong đó có huấn luyện ATVSLĐ cho đội ngũ quản lý Nhà nước về lao động các cấp, đặc biệt triển khai hiệu quả “Hệ thống báo cáo, thống kê tai nạn lao động, tư vấn hỗ trợ Luật ATVSLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động”. Đây là một nhiệm vụ mới của công tác ATVSLĐ, trong đó cán bộ lao động cấp huyện, xã đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công.