Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Pháp luật

Thừa Thiên – Huế: Thiếu nguồn lực trong công tác cai nghiện

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế đang đối diện với nguy cơ quá tải trong công tác cai nghiện, tình trạng thiếu cơ sở vật chất, diện tích, lực lượng bảo vệ, chuyên môn y tế... điều này đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác cai nghiện ma túy.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế, nơi thực hiện nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, quản lý và cai nghiện cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế, nơi thực hiện nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, quản lý và cai nghiện cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay đang thực hiện nhiệm vụ Trung tâm đa chức năng như quản lý nuôi dưỡng, phối hợp điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đặc biệt nặng, và nặng về thần kinh; cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện, tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đưa người nghiện vào cai nghiện ma túy bắt buộc.

Dù vẫn đang thực hiện tốt chức năng được giao, tuy nhiên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế lại đang đối diện với nguy cơ "quá tải" trong công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy. Lý do theo lãnh đạo Trung tâm, đơn vị hiện đang thiếu cả về cơ sở vật chất lẫn con người để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.

Được biết, diện tích đất khu vực cai nghiện ma túy hiện nay của Trung tâm là 0,78 với 6 hạng mục chính để điều trị và phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt. Tuy nhiên, do số lượng người tâm thần ngày càng tăng, từ quy mô phục vụ cho 400 người tâm thần hiện nay số người tâm thần đã lên đến gần 600 người, nơi ở đối tượng quá tải, do đó Trung tâm phải sử dụng tạm 3 hạng mục chính thuộc khu vực cai nghiện ma túy để phục vụ nuôi dưỡng gần 140 người tâm thần nữ.

Hiện trạng khu vực ở đối tượng cai nghiện ma túy sau khi sáp nhập với Trung tâm gồm có 16 phòng ở; không có khu vực tiếp nhận đối tượng cai nghiện tự nguyện, đối tượng cai nghiện nữ. Không có khu vực riêng để lưu giữ đối tượng không có nơi cư trú ổn định đang chờ lập hồ sơ xem xét quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Không có sân chơi cho đối tượng luyện tập thể dục, thể thao; không có khu vực lao động trị liệu, phục hồi chức năng,… theo quy định.

Máy móc thiết bị y tế tại khu vực cai nghiện của Trung tâm còn hạn chế. Thiết bị quạt, điện ánh sáng trong phòng ở, phòng thăm nuôi cũng hư hỏng, xuống cấp… Trong khi đó, đội ngũ cán bộ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội hiện nay mới chỉ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý nuôi dưỡng, phối hợp điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng về tâm thần kinh.

Đội ngũ y sĩ và lực lượng bảo vệ làm công tác cai nghiện còn hạn chế về số lượng và trình độ chuyên môn. Đặc biệt, Trung tâm hiện không có bác sĩ để đảm bảo việc điều trị cắt cơn nghiện và xây dựng phác đồ điều trị nghiện cho người nghiện. Cán bộ y tế chưa được đào tạo, tập huấn chuyên môn về công tác cai nghiện, phục hồi; chưa xây dựng được phác đồ điều trị nghiện. Tổng số cán bộ y tế tại Trung tâm gồm có 8 người, nhưng trình độ chuyên môn đào tạo chủ yếu là Trung cấp.

Thừa Thiên – Huế: Thiếu nguồn lực trong công tác cai nghiện - Ảnh 2.

Các học viên tại Trung tâm. Ảnh Thế Trung

Theo báo cáo của Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, tính đến hết tháng 4/2019, toàn tỉnh có 385 người nghiện có hồ sơ quản lý. Ngoài ra, qua rà soát, phát hiện 1.445 người sử dụng và nghi sử dụng trái phép chất ma túy (775 người sử dụng, 670 người nghi sử dụng). Các địa phương tiếp tục tiến hành xác định tình trạng nghiện, xác minh, phân loại, áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục, cai nghiện theo quy định đối với những trường hợp này.

Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá, phân tích của ngành Công an cũng cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có khoảng trên 100 hồ sơ người nghiện ma túy thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, trước thực trạng  nói trên, việc tiếp nhận các đối tượng vào cai nghiện không thể đảm bảo hiệu quả vì vượt quá công suất phòng hiện có của Trung tâm. Khu vực cai nghiện ma túy hiện chỉ có thể tiếp nhận tối đa 25 người nghiện ma túy, bao gồm cả cai nghiện bắt buộc và tự nguyện; không thể tiếp nhận học viên nữ do chưa có khu riêng biệt.

Để thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy tại Trung tâm, vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thừa Thiên – Huế đã có công văn đề nghị Công an tỉnh phối hợp, chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tiến hành lập hồ sơ đưa người nghiện vào cai nghiện ma túy bắt buộc tại Trung tâm theo công suất hiện có.

`Trung tâm cũng đang cho cải tạo khu vực dạy nghề của cơ sở cai nghiện cũ thành khu nhà ở đối tượng (nhà 1 tầng 8 gian, mỗi gian bố trí 3 giường ngủ). Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019, đầu năm 2020 Trung tâm sẽ sử dụng để tiếp nhận đối tượng không có nơi cư trú ổn định nói trên.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế làm việc với Trung tâm Bảo trợ xã hội để tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà đơn vị đang gặp phải

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các Sở, ban, ngành liên quan làm việc với Trung tâm Bảo trợ xã hội để tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà đơn vị đang gặp phải

Đặc biệt, ngày 17/6/2019, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ký ban hành Quyết định số 1448/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mở rộng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Hiện Trung tâm đã thuê đơn vị tư vấn lập phương án quy hoạch để đầu tư xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có khu nhà tiếp nhận và quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ Tòa án ra quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tiếp nhận và lưu giữ người sử dụng ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ xác định tình trạng nghiện và xác minh nơi cư trú của người sử dụng ma túy.

Mặt khác, ông Thọ cũng đồng ý giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Nội vụ tỉnh phối hợp tham mưu chính sách luân chuyển, bổ sung, biệt phái cán bộ y tế cho Trung tâm Bảo trợ xã hội để phục vụ công tác cai nghiện ma túy. Qua đó, đảm bảo 1 tuần có 3 – 4 ngày có cán bộ tăng cường cho Trung tâm, đồng thời có cơ chế hỗ trợ cho cán bộ được tăng cường.