Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022 có chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Tháng công nhân năm 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng”. Thời gian diễn ra từ ngày 1/5 đến ngày 31/5/2022.
Trong tháng hành động sẽ diễn ra các hoạt động chuyên đề, như: Tổ chức lớp huấn luyện mẫu về ATVSLĐ cho người làm công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở tự thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở. Tổ chức thực tập các phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có phối hợp nhiều lực lượng tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở trọng điểm trên địa bàn; Triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; Thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, BNN có hoàn cảnh khó khăn; Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào một số ngành, nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN như xây dựng, khai khoáng, kinh doanh khí hóa lỏng, các cơ sở có sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Ông Hồ Dần - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2021, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh được tập trung triển khai thực hiện với các nhiệm vụ giải pháp thiết thực, hiệu quả. Theo đó, công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh; công tác huấn luyện, tập huấn kiến thức về ATVSLĐ được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai quyết liệt, đồng bộ.
Việc thực hiện biện pháp bảo đảm ATVSLĐ được các doanh nghiệp, cơ sở quan tâm, xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí, bố trí nhân sự, kiện toàn bộ máy ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, rà soát, ban hành các nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, PCCN. Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ được chú trọng triển khai, đặc biệt tại các công trình xây dựng, khai thác đá.
Năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra 5 vụ TNLĐ làm chết 7 người, bị thương 1 người. Số người chết so với năm 2020 giảm 20%.
Năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định một số mục tiêu chiến lược là: Giảm 5% tần suất tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chết người. Tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp,…
Ông Trần Quang Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong năm 2021, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 362 triệu đồng cho 559 đoàn viên, NLĐ, 390 triệu đồng xây dựng 13 nhà Mái ấm công đoàn; ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình phúc lợi với 15 đối tác nhằm đưa các dịch vụ, sản phẩm ưu đãi, miễn phí đến đoàn viên và NLĐ với tổng số tiền hỗ trợ chương trình phúc lợi hơn 6 tỷ đồng,...
Theo ông Vinh, Tháng Công nhân năm 2022 là “Điểm nhấn” trong hoạt động của công đoàn; với mục tiêu hướng về người lao động, chăm lo, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Ông Vinh đề nghị các cấp công đoàn khẩn trương triển khai thực hiện các hoat động trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo tiến hành đồng bộ, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức, phù hợp với điều kiện, tình hình công nhân, viên chức, người lao động và hoạt động Công đoàn của địa phương, ngành, đơn vị và doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động, ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyển thông; tăng cường tập huấn, đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng an toàn vệ sinh lao động định kỳ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, địa bàn, đơn vị, doanh nghiệp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại các đơn vị, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thường xảy ra tai nạn lao động; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và thông báo công khai những vi phạm pháp luật về ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố vụ án vi phạm ATVSLĐ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết người. Điều tra, xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người để có biện pháp khắc phục nguyên nhân nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động tương tự xảy ra.
Ông Phương đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường chỉ đạo Liên đoàn lao động cấp huyện, Công đoàn khu công nghiệp, Công đoàn các ngành hướng dẫn công đoàn cơ sở phối hợp chủ doanh nghiệp thực hiện tốt việc tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ nhằm phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho công nhân lao động.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động cần tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ; tự kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại, thường xuyên cải thiện điều kiện lao động.
Tập trung chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động, người lao động về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động an toàn. Hỗ trợ tổ chức công đoàn tại đơn vị hoạt động hiệu quả, tăng cường gặp gỡ, đối thoại với cán bộ công đoàn và công nhân lao động để giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách.
Cá nhân mỗi một người lao động cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng nhận diện rủi ro, làm việc an toàn để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.
Tại lễ phát động, lãnh đạo Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Thừa Thiên Huế và LĐLĐ tỉnh đã tổ chức trao hộ kinh phí xây dựng Mái ấm Công đoàn cho 10 đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 40 triệu đồng; đồng thời đến thăm và tặng quà động viên người lao động không may gặp tai nạn lao động; thân nhân lao động bị tai nạn lao động đã qua đời.