Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thừa Thiên Huế: Thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội để tạo môi trường phát triển du lịch

“Phải làm tốt công tác bảo trợ xã hội thì mới tạo ra môi trường đủ tốt để xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố du lịch được. Còn không, trên đường phố mà đầy người tâm thần, lang thang cơ nhỡ, xin ăn thì làm sao gọi là thành phố du lịch” - đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi kiểm tra, làm việc với Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh này.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với Trung tâm BTXH tỉnh

Chiều ngày 19/4, đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh đã có buổi kiểm tra, làm việc với lãnh đạo Trung tâm BTXH tỉnh này về công tác quản lý, nuôi dưỡng, điều trị cho người tâm thần và quản lý, chăm sóc, giáo dục học viên cai nghiện ma túy.

Trước đó, ngày 8/4, Bộ LĐ – TB&XH đã có Công văn gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về thực trạng Trung tâm BTXH tỉnh này sau khi lãnh đạo Bộ kiểm tra thực tế tại Trung tâm và làm việc với lãnh đạo Sở LĐ – TB&XH tỉnh khi có ý kiến phản ánh của dư luận. Trong nội dung Công văn do Thứ trưởng Lê Tấn Dũng ký, có 2 vấn đề chính là: thứ nhất, Bộ đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở LĐ – TB&XH tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng phương án, sắp xếp, tổ chức lại Trung tâm BTXH theo hướng tách thành: Cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần và Cơ sở điều trị cai nghiện cho người nghiện ma túy; thứ 2, Bộ đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bố trí quỹ đất và nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng cớ sở vật chất Trung tâm BTXH tỉnh.

Về thực trạng, Trung tâm BTXH tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập từ năm 2003 với chức năng, nhiệm vụ được giao là tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, phối hợp điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng về thần kinh và tâm thần. Năm 2014, Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh (đơn vị chăm sóc, giáo dục cho người cai nghiện ma túy và gái mại dâm) được nhập vào Trung tâm BTXH và thành Trung tâm BTXH tỉnh Thừa Thiên Huế như hiện nay. Trung tâm có tổng diện tích là 51.172 m2. Trung tâm có 3 khu chức năng, gồm: Khu tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người tâm thần nam; Khu tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người tâm thần nữ; Khu tiếp nhận, giáo dục và phục hồi chức năng cho học viên cai nghiện ma túy.

Theo ông Ngô Duy Bình – Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay Trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng, phối hợp điều trị, phục hồi chức năng cho 503 người tâm thần, trong đó có 144 người tâm thần nữ. Trong tổng số 503 người tâm thần do Trung tâm BTXH Thừa Thiên Huế quản lý, có khoảng 16 người hộ khẩu ở Quảng Trị, khoảng 20 người hộ khẩu Quảng Bình. Bên cạnh đó, hiện nay Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, giáo dục cho 9 học viên cai nghiện ma túy (5 bắt buộc, 4 tự nguyện). Các đối tượng ở Trung tâm ngoài việc điều trị, chăm sóc, còn được dạy nghề, tham gia các hoạt động trị liệu,…

Trước đó, dư luận cho rằng do quá tải, Trung tâm BTXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải “chuyển” các đối tượng tâm thần nữ sang ở chung với cơ sở của các học viên cai nghiện ma túy, dẫn đến mất an toàn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm, Khu tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người tâm thần nữ được tận dụng, bố trí lại tại khu vực trước đây dành cho đối tượng mại dâm vào phục hồi chức năng nhưng nay không có người. Mặt khác, cả ba khu chức năng đều tách biệt nhau, cán bộ được bố trí túc trực 24/24 để hỗ trợ và giúp đỡ đối tượng, không có sự chung đụng, phản cảm và nguy cơ gây tổn thương cho đối tượng.

Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm đang gặp phải một số khó khăn, như: thiếu các khu chức năng (khu vực dạy nghề, phục hồi chức năng; khu vui chơi giải trí; khu vực trị liệu chung; khu lao động trị liệu,…), thiếu đội ngũ y tế chuyên sâu, thiếu cán bộ thực hiện nhiệm vụ chung. Mặt khác, tuy số lượng học viên cai nghiện hiện nay còn ít, song theo dự báo, có khả năng nhóm đối tượng này sẽ tăng nhanh, vì thế cần có nhiều khu tách biệt khác nhau,…

Ông Nguyễn Dung (áo đen) kiểm tra khu quản lý, nuôi dưỡng đối tượng tâm thần nữ tại Trung tâm BTXH

Đối với các nội dung đề nghị của Bộ LĐ – TB&XH, sau khi nghe báo cáo của Trung tâm BTXH, Sở LĐ – TB&XH tỉnh và đại diện các Sở, ban, ngành liên quan, ông Dung nhất trí với việc mở rộng diện tích Trung tâm để bảo đảm có đủ các khu chức năng phục vụ đối tượng cũng như đủ cơ sở vật chất để quản lý các đối tượng về lâu về dài. Theo ông Dung, việc mở rộng Trung tâm cần phải có cách tính cụ thể, lâu dài và định hướng được tương lai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phải nhanh chóng triển khai thực hiện việc mở rộng diện tích Trung tâm BTXH..

Đối với việc tách Trung tâm thành 2 cơ sở, ông Dung cho rằng cách sắp xếp, tổ chức như hiện nay là hợp lý và phù hợp với chính sách tinh giảm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, ông Dung cũng đồng ý với phương án mà lãnh đạo Trung tâm, cũng như y kiến của đa số các đại diện Sở, ban, ngành là nên tách biệt hẳn khu tâm thần nữ với khu cai nghiện ma túy. “Phải tổ chức, sắp xếp và quản lý thật tốt, không để xảy ra sự việc đáng tiếc nào cả”, ông Dung nhấn mạnh.

Đối với đề nghị tăng cường thêm đội ngũ y tế chuyên sâu, nhất là bố trí cho Trung tâm 1 đến 2 bác sỹ đa khoa, ông Dung cho rằng đây là việc hết sức khó khăn. Mặt khác, theo ông Dung, hiện nay giữa 2 Sở Y tế và LĐ – TB&XH mà trực tiếp là giữa Trung tâm BTXH với Bệnh viện Tâm thần Huế đã có giao ước phối hợp trong việc tiếp nhận, điều trị, thăm khám bệnh nhân tâm thần, nên ông đề nghị các bên tiếp tục thực hiện tốt giao ước này; đồng thời đề nghị sở Nội vụ nghiên cứu một cơ chế tài chính phù hợp để cho các bên thực hiện tốt hơn nữa giao ước. Ngoài ra, ông Dung cũng cho rằng, nếu được thì lãnh đạo Trung tâm nên tìm, đề xuất một cơ chế hợp lý để kêu gọi các bác sỹ đa khoa đã nghỉ hưu về làm việc theo hợp đồng nhằm phục vụ tối ưu cho đối tượng. “Những người vào đây họ đã coi Trung tâm gần như là nhà của mình rồi, nên chúng ta phải chăm sóc tốt nhất cho họ. Phải làm tốt công tác bảo trợ xã hội thì mới tạo ra môi rường đủ tốt để xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố du lịch được. Còn không, trên đường phố mà đầy người tâm thần, lang thang cơ nhỡ, xin ăn thì làm sao gọi là thành phố du lịch”, ông Dung chỉ đạo.