Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên Huế tiếp nhận vật tư y tế phòng, chống dịch và hỗ trợ người lao động khó khăn

Chiều 12/1, lễ tiếp nhận và chuyển giao thiết bị, vật tư y tế cho cơ sở cách ly, cơ sở y tế tuyến đầu chống dịch do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam trao tặng đã diễn ra tại trụ sở Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế tiếp nhận và chuyển giao thiết bị, vật tư y tế cho cơ sở cách ly, cơ sở y tế tuyến đầu chống dịch

Thừa Thiên Huế tiếp nhận và chuyển giao thiết bị, vật tư y tế cho cơ sở cách ly, cơ sở y tế tuyến đầu chống dịch

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt dự án phi chính thức “Hỗ trợ các cơ sở cách ly, cơ sở y tế và người lao động trở về từ vùng dịch phía Nam trong đại dịch Covid-19 tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do IOM hỗ trợ.

Tại buổi lễ, IOM trao hơn 6.500 các loại trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch, gồm: Bộ áo quần bảo hộ theo cấp độ, khẩu trang y tế, găng tay y tế, dung dịch rửa tay diệt khuẩn, nhiệt kế hồng ngoại không tiếp xúc, bộ xét nghiệm Covid-19 nhanh, tủ nấu cơm, giường xếp cá nhân, máy kẹp tay đo nồng độ oxy SPO2. Đây là những trang thiết bị, vật tư rất thiết thực phục vụ các đơn vị tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trong khuôn khổ hoạt động dự án, ngoài hoạt động hỗ trợ trang thiết bị y tế cho tuyến đầu chống dịch, IOM còn hỗ trợ 1.000 người lao động Thừa Thiên Huế gặp khó khăn trở về từ các tỉnh thành phía Nam, với kinh phí 1 triệu đồng/người; đồng thời hỗ trợ tập huấn tư vấn sinh kế cho người dân trở về sau đại dịch.

Theo bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương này cũng như các tỉnh khác tại Việt Nam chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nhân dân. Các cấp, ngành nỗ lực, tập trung cao độ trong công tác phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Một vấn đề lớn, khó khăn đang được đặt ra đối với tỉnh Thừa Thiên Huế là số lượng người dân lao động từ các tỉnh thành khác, đặc biệt là số lượng lao động từ TP. Hồ Chí Minh trở về địa phương ngày càng nhiều (trên 30 ngàn người lao động).

Với số lượng lớn người dân trở về gần như trong thời gian ngắn nên việc tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch vô cùng vất vả, nguồn lực thực hiện rất khó khăn. Bên cạnh đó, những người dân lao động trở về sau khi cách ly đa số là những người nghèo vô cùng khó khăn trong cuộc sống như việc làm, thu nhập, chi phí sinh hoạt hàng ngày... nên cần được hỗ trợ phần nào để giúp họ giảm đi khó khăn.

Bà Nguyệt cam kết, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai thực hiện các hoạt động do IOM tài trợ đảm bảo hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Với nguồn kinh phí hỗ trợ người lao động, Thừa Thiên Huế sẽ rà soát, chuyển đến tài khoản của từng người (không trao hỗ trợ bằng tiền mặt). Với hoạt động tư vấn sinh kế cho người lao động khó khăn trở về từ vùng dịch, đây là chính sách được ngành LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế rất quan tâm để tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân và thích nghi với tình hình mới.