Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 34 đợt đồng loạt ra quân, có 4.794 đợt của (141/141) xã, phường, thị trấn đồng loạt ra quân với sự tham gia của hơn 575.280 lượt người tham gia; có khoảng 4,3 tấn rác được thu gom, vận chuyển và xử lý; hơn 100km tổng chiều dài, diện tích các khu vực công cộng, đường giao thông, bãi biển, đường liên thôn, liên xóm được làm vệ sinh môi trường; hơn 1.000 cây xanh, thảm cỏ được trồng mới, trồng bổ sung, chăm sóc và phục hồi,…
Bên cạnh kết quả đạt được, phong trào vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai,như: việc phân loại rác còn gặp nhiều khó khăn, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường do người dân chưa có thói quen phân loại, nhận diện các loại rác, chất thải; nạn đổ chất thải rắn xây dựng bừa bãi, gây nên tình trạng nhếch nhác tại một số khu vực công cộng, khu đô thị dân cư thưa thớt chưa chấm dứt. Bên cạnh đó, do tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt làm cho việc trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa, bồn hoa, hàng rào xanh gặp rất nhiều khó khăn; nguồn kinh phí để đầu tư cho công tác vệ sinh môi trường và tôn tạo cảnh quan tại các cơ quan đơn vị còn hạn chế.
Để phong trào Ngày Chủ nhật xanh tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị lãnh đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo sự vào cuộc và tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Theo ông Minh, nếu lãnh đạo địa phương quan tâm, thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo thì phong trào được thực hiện tốt và duy trì hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị tiếp tục duy trì xuyên suốt một cách đều đặn việc thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh; Chương trình “60 phút Sạch nhà - Đẹp ngõ”; đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường biển và khu vực đầm phá bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; đưa phong trào ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, duy trì phong trào một cách bền vững, lâu dài. Cán bộ, đảng viên phải là những người thực hiện tiên phong, làm gương cho quần chúng noi theo. Cần tuyên truyền sâu rộng những mô hình, cá nhân với việc làm cụ thể.
Các địa phương triển khai cần đi sâu vào từng chuyên đề cụ thể, đăng ký các chủ đề khác nhau theo đặc trưng của từng địa phương, các chủ đề phải đi vào thực chất. Chẳng hạn như thành phố Huế thì tập trung vào chủ đề phân loại rác thải tại nguồn, một số địa phương có thể tập trung lồng ghép trong chương trình xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh, chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh”. Quá trình triển khai có đánh giá kết quả theo tháng, theo quý; cần lập danh sách những điểm nóng về rác thải để tập trung giải quyết từng tuần, từng tháng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh yêu cầu quá trình triển khai thực hiện Đề án ngày Chủ Nhật xanh phải gắn với việc Quản lý trật tự đô thị nhằm chỉnh trang, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, tạo môi trường sống an toàn cho người dân, để lại ấn tượng tốt cho du khách khi đến với Huế. Đề nghị các địa phương tập trung tổ chức ra quân lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông dứt điểm từng tuyến đường, tập trung cho cho tuyến quốc lộ 49 và dọc quốc lộ 1A; thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, trật tự vỉa hè, đường phố, trật tự an toàn giao thông,vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, công tác chỉnh trang đô thị. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình chỉnh trang đô thị; kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm về lĩnh vực xây dựng, trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Tăng cường hệ thống camera theo dõi, phạt nguội, xử phạt nghiêm đối với các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm rác thải đặc biệt là rác thải xây dựng.