Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Thừa Thiên Huế: Tìm hướng giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động chịu ảnh hưởng COVID-19

Thừa Thiên Huế sẽ rà soát số lượng lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là lao động trở về từ vùng dịch, đồng thời căn cứ nhu cầu, tay nghề để có hướng giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ người lao động học nghề, chuyển đổi việc làm phù hợp, bảo đảm ổn định đời sống.

Thừa Thiên Huế: Tìm hướng giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động chịu ảnh hưởng COVID-19 - Ảnh 1.

Người lao động đến giao dịch tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế

Mới đây, Công ty Scavi Huế (đóng tại KCN Phong Điền) có thư ngỏ gửi đến người lao động ngành may đang và sẽ trở về Thừa Thiên Huế. Theo đó, nhằm đồng hành với tỉnh trong việc đón người dân đang sinh sống, làm ăn ở ngoại tỉnh trở về, Công ty Scavi Huế sẵn sàng tuyển dụng đối với lao động có tay nghề mong muốn lập nghiệp tại quê nhà. Để thu hút lao động vào làm việc cho công ty, lãnh đạo doanh nghiệp này đã quyết định áp dụng một số cơ chế hỗ trợ hấp dẫn, gồm: Hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm PCR trước khi vào làm việc tại Scavi; hỗ trợ nóng 5 triệu đồng đối với công nhân có tay nghề ký hợp đồng lao động chính thức với Công ty nhằm ổn định cuộc sống lâu dài; áp dụng chính sách đánh giá tay nghề linh hoạt, ký hợp đồng chính thức và áp dụng mức lương cao tương đương với bậc tay nghề. Công ty Scavi Huế cũng sẽ thưởng thêm 3 triệu đồng vào tài khoản thưởng lương tháng 13 năm 2021, nhằm hỗ trợ người lao động đón Tết sum vầy.

Ông Trần Văn Mỹ - Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế cho biết, các nhà máy của Công ty tại KCN Phong Điền có quy mô khoảng 8.000 vị trí việc làm. Hiện số lượng công nhân của Công ty khoảng 7.000 người, do đó đơn vị cần tuyển thêm khoảng 1.000 lao động để đáp ứng dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, cuối năm 2021 này, Công ty Scavi Huế sẽ chính thức khởi công xây dựng khu nhà máy may tiếp theo tại xã Quảng Vinh (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế). Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2022, với tổng số lao động cần tuyển dụng là 8.400 người. Vì vậy, đây là cơ hội rất lớn để người lao động Thừa Thiên Huế, trong đó có những người trở về quê hương do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có việc làm, bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống.

"Điều quyết định để thu hút người lao động, giữ được người lao động ở lại, làm việc tại quê hương là phải đảm bảo thu nhập tốt, có các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cơ bản", ông Mỹ khẳng định.

Thừa Thiên Huế: Tìm hướng giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động chịu ảnh hưởng COVID-19 - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 300/3.013 doanh nghiệp dừng hoạt động; 7.504/92.130 lao động bị dừng việc làm, mất việc làm. Qua đánh giá tổng thể cho thấy, các doanh nghiệp hoạt động tại các KCN trên địa bàn tỉnh cơ bản duy trì hoạt động, người lao động vẫn có việc làm, bảo đảm đời sống. Tuy nhiên, lao động tự do, lao động làm việc trong các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, hoặc lao động làm việc trong ngành du lịch, dịch vụ, đa số bị tạm hoãn hợp đồng lao động, mất việc làm, giảm thu nhập sâu dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong đời sống.

Ông Nguyễn Duy Thông – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, giải quyết 5.182 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp từ người lao động, với tổng số tiền 74,6 tỷ đồng. Có 322 lao động được hỗ trợ học nghề theo diện lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đối với lao động tỉnh Thừa Thiên Huế đang làm việc ngoại tỉnh, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, hiện có khoảng 95.365 người, trong đó tại 18 tỉnh, thành phía Nam là 56.021 người, riêng TP Hồ Chí Minh là 50.566 người (chỉ hơn 31.000 người lao động có giao kết hợp đồng lao động). Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người lao động Thừa Thiên Huế đang làm việc tại các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, nhất là các tỉnh phía Nam liên tục hồi hương. Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến hết ngày 2/8, trên địa bàn toàn tỉnh có 12.338 trường hợp đang cách ly tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung và nơi lưu trú. Có những ngày, các khu cách ly đã tiếp nhận gần 2 ngàn người về từ các vùng dịch. Ngoài ra, tính từ 28/4 đến nay, đã có 34.980 người từ các tỉnh/thành phố có dịch trở về không thuộc diện cách ly tập trung. Khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, số người có nhu cầu ở lại Thừa Thiên Huế làm việc chắc chắn sẽ rất lớn. Do đó, bài toán giải quyết việc làm cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội không thể không đặt ra.

Ông Thông cho biết, ngoài Công ty Scavi Huế, còn có nhiều doanh nghiệp may mặc lớn tại tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động như: Công ty dệt may Thiên An Phát, Thiên An Phú, Công ty quốc tế Helo, HBI… Để kết nối cung cầu lao động, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế đã tuyên truyền sâu rộng, đa dạng và nhanh chóng các thông tin về thị trường việc làm, thông qua nhiều kênh khác nhau. Đồng thời Trung tâm cũng thay đổi cách tư vấn, tư vấn chuyên sâu hơn để người lao động nắm bắt thông tin một cách chủ động, qua đó đưa ra lựa chọn thích hợp.

Thừa Thiên Huế: Tìm hướng giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động chịu ảnh hưởng COVID-19 - Ảnh 4.

Người lao động Thừa Thiên Huế trở về từ các vùng dịch nếu có nhu cầu sẽ được tạo việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề tại quê hương

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Hữu Phúc – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế khẳng định, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác tạo việc làm, ổn định sinh kế cho người dân nói chung, đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nói riêng. Đối với lao động trở về từ các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đang dồn lực để thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương nghiên cứu nhiều giải pháp hữu hiệu nhất để tạo việc làm cho người lao động có nhu cầu ở lại làm việc tại quê hương, ổn định cuộc sống.

Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn rà soát, nắm bắt số lượng, ngành nghề, trình độ tay nghề đối với lao động làm việc ngoài tỉnh trở về. Bên cạnh đó rà soát, đánh giá nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn để kết nối người tuyển dụng với người lao động, nhằm giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với lực lượng lao động tự do, lao động mong muốn chuyển đổi ngành nghề, Thừa Thiên Huế cũng sẽ vận dụng tối đa các chính sách hiện có, trong đó bao gồm Nghị quyết 68/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ người lao động học nghề, nâng cao tay nghề theo quy định, qua đó sớm quay lại thị trường lao động.

THẢO VI
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ