Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thừa Thiên - Huế với công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

Kể từ năm 2014 đến nay, thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Sở LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh hoạt động xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trên cơ sở khớp nối thông tin hồ sơ liệt sĩ, thông tin tìm kiếm, quy tập; thông tin của đồng đội liệt sĩ, của người dân và chính quyền địa phương nơi liệt sĩ chiến đấu và hy sinh. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt sâu sắc Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị và những nội dung cơ bản của Đề án 150 cho cán bộ, đơn vị và các tầng lớp nhân dân.
 
Công tác tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được đẩy mạnh bằng phương pháp thực chứng như thông qua thông tin về đồng đội, đơn vị và thân nhân, qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, ban liên lạc truyền thống các đơn vị, nhất là Hội Cựu Chiến binh các địa phương đã cung cấp các thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ với nghĩa cử cao đẹp, thiện nguyện, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.


Lễ truy điệu và an táng 15 liệt sĩ từ nước bạn Lào về Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Huế ngày 6/5/2020. Ảnh: Lê Chung
 
Tỉnh cũng chủ động khai thác, kết nối, xử lý các nguồn tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tổ chức các nhóm đi xác minh, đối chiếu danh sách hồ sơ liệt sĩ, phân tích, kết luận số liệu chưa khớp nối, chồng chéo; đồng thời tổng hợp, phân tách danh sách liệt sĩ theo quê quán, địa bàn hy sinh, nơi an táng ban đầu, từng bước hoàn thiện danh sách liệt sĩ cung cấp cho các đơn vị, địa phương để đối chiếu, rà soát, phục vụ cho công tác lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
 
Tỉnh cũng tổ chức rà soát gần 19.000 hồ sơ liệt sĩ đang lưu trữ tại Sở để đối chiếu, bổ sung thông tin và ghi phiếu điều tra. Kết quả cho thấy, trong tổng số 18.070 mộ liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh có 5.408 mộ có một phần thông tin, chiếm tỷ lệ 29,93%; 12.633 mộ không có thông tin, chiếm tỷ lệ 69,91%. 
 
Từ kết quả trên, Sở LĐTBXH đã hướng dẫn Phòng LĐTBXH các huyện, thị xã và thành phố Huế phối hợp với Bưu điện tiến hành rà soát, kiểm tra thông tin mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ và chụp ảnh, cập nhật thông tin tại 63 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn với tổng số 18.013 mộ.


Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục chủ động rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ảnh: Văn Anh

Hàng năm, tỉnh cũng tiếp đón chu đáo các đối tượng thân nhân liệt sĩ các tỉnh thành trong cả nước đến thăm viếng mộ liệt sĩ, thực hiện các thủ tục giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ, di chuyển hài cốt liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh về quê. Từ năm 2017 đến nay, Sở LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đón tiếp hàng chục nghìn lượt người đến thăm viếng mộ liệt sĩ và thực hiện các thủ tục liên quan.

Về công tác lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ; tổ chức giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ: Khi tìm kiếm có mộ liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Sở LĐTBXH đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ tổ chức lấy mẫu sinh phẩm để phục vụ công tác giám định ADN xác định danh tính của liệt sĩ theo quy định; tiến hành bàn giao làm lễ an táng trang nghiêm, chu đáo.
 
Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh của các liệt sĩ hy sinh cũng như phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ để xác minh thông tin liệt sĩ. Đặc biệt, Sở đã phối hợp với các Sở LĐTBXH của các tỉnh, thành trong cả nước trong việc xác minh hồ sơ liệt sĩ để làm căn cứ đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trên địa bàn Thừa Thiên - Huế cũng còn một số khó khăn. Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ có nơi không đầy đủ. Số lượng hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin còn khá lớn, thời gian hy sinh khá lâu, nhiều hài cốt đã bị phân hủy ở mức độ rất cao nên khó khăn trong quá trình lấy mẫu sinh phẩm để phân tích, giám định ADN. Trong khi đó, ở một số địa phương, việc nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xác định thông tin hài cốt liệt sĩ còn hạn chế, dẫn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án có lúc, có nơi, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều bất cập.
 
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy nhanh việc hoàn thành lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở cấp huyện, tiến tới hoàn thành lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cấp tỉnh. Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; tập hợp dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ để có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác cho công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. 
 

Minh Anh/GĐTE