Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thừa Thiên- Huế: Vùng thượng nguồn sông Hương đang "khát" nước sinh hoạt

Nước máy là chuyện của tương lai,trong khi nước sông bị ô nhiễm do nhiều yếu tố,, còn giếng khoan, giếng đào thì cạn kiệt vì hạn hán kéo dài. Do vậy, để có nước sinh hoạt, người dân vùng thượng nguồn sông Hương (Thừa Thiên- Huế) đành tặc lưỡi sử dụng nước sông hoặc phải đi xin, thậm chí phải bỏ tiền gấp đôi, gấp 3 giá bình thường để mua nước sạch.

.

Chuyện khó khăn để có một ít nước sạch dùng nấu ăn, đun sôi uống vốn không có gì mới đối với người dân các thôn Tân Ba, Võ Xá, Vĩ Dạ, Nguyệt Biều của xã Thủy bằng, thị xã Hương Thủy trên thượng nguồn sông Hương. Bây giờ lại càng trở  nên bức xúc hơn, khi nắng hạn kéo dài, tất cả các giếng đào trong thôn, xóm đều cạn trơ đáy…Người dân chỉ trông chờ vào nguồn nước giếng khoan duy nhất của một doanh nghiệp gần đó. Sống bên sông, nhưng cực chẳng đã họ mới sử dụng nước sông để tắm giặt, rửa ráy…vì nước sông đã bị ô nhiễm do hồ Tả Trạch tích nước, bao nhiêu cây cối đang trong quá trình phân hủy trong nước, xung quanh đó là những mỏ khai thác cát sỏi trên sông nên nguồn nước dòng sông đã vấy bẩn, chuyển thành màu đỏ.

Hàng ngày, để có nước sạch dùng sinh hoạt, gia đình anh Đào Văn Tuấn phải cắt cử một người đứng xếp hàng hứng nước từ vòi bơm. Anh Tuấn cho biêt: “Tui lo việc rừng, ruộng, vợ con ở nhà canh me chuyện nước…nhưng nếu mất điện thì ôi thôi rồi, lại phải mua từng bịch nước lọc giá 20 ngàn để cơm nước.” Đó cũng là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân vùng thượng nguồn sông Hương này.

Mang theo bịch nhựa đi xếp hàng chơ lấy nước sạch về nấu ăn, uống là chuyện cơm bữa của người dân nơi thượng nguồn sông Hương

Quá bức xúc vì vì tình trạng thiếu nước sạch để sinh hoạt, trong khi đã có dự án nhưng chưa thấy triển khai, một người dân khi được hỏi đã thẳng thừng: “Nói làm gì nữa, nói hoài, hỏi hoài…hết xe to, xe bé, có cả đoàn lên đây khảo sát, phỏng vấn cùng lời hứa từ chính quyền nhưng bao năm nay người dân chúng tôi vẫn cứ phải gánh nước sông để dùng…”

Được biết, từ đầu năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phê duyệt kinh phí 3,5 tỷ đồng để xây dựng đường ống dẫn nước máy cho vùng khát nói trên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy bên đơn vị thi công có động tĩnh gì. Nghe đâu là đang gặp khó trong việc thiết kế đường ống dẫn.

Ông Lê Nhơn, Trưởng thôn Tân Ba cho hay: “Bốn mươi năm giãn dân, không được hưởng chính sách kinh tế mới. Nhiều mong ước của người dân đến nay tuy đã được thực hiện dần dần như: việc học của con em đã được mở các cơ sở lẻ; điện lưới đã được kéo về; đường đi đã được bê tông hóa theo nguồn vốn của chính phủ Phần Lan, nhưng nước sạch thì vẫn thiếu và mỗi ngày càng trở nên câu chuyện này càng trở nên trầm trọng hơn. Lý do là vì nguồn nước sông Hương bị ảnh hưởng do hồ thủy lợi Tả trạch, còn các mỏ khai thác cát sỏi thì ngày đêm vận hành hết công suất. Mặt khác, trong những năm gần đây, do tình hình biến đổi khí hậu dẫn đên nắng nóng, khô hạn kéo dài. Các bể hứng nước mưa của các gia đình ở đây đều khô cạn đáy, suốt nhiều tháng rồi không có một cơn mưa nào.”

Thông tin thêm về dự án cấp nước sạch cho người dân các thôn trong xã, ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết: “Theo kế hoạch thì dự án nước sạch  đã có từ lâu rồi, nhưng cứ chậm mãi, đầu năm 2014 UBND tỉnh đã phê duyệt 3,5 tỉ đồng cho chuyện này, nhưng đến bây giờ đã là tháng 6 năm 2015 vẫn chưa thể khởi động được – Chỉ vì đơn vị thiết kế bận quá, nhiều việc nên chưa thiết kế xong".

Thừa Thiên -Huế nói riêng, khu vực miền Trung nói chung đã và đang bước vào mùa nắng nóng, khô hạn kéo dài. Thực tế hiện nay ở nhiều địa phương, tình hình thiếu nước sinh hoạt đã trở nên rất trầm trọng, đáng báo động. Người dân muốn có nước sạch để ăn, uống phải đi một quảng đường xa để xin nước, thậm chí phải bỏ tiền gấp đôi, gấp ba lần giá bình thường để mua. Không những thế, do “cơn khát” kéo dài, người dân đành phải làm liều, tặc lưỡi dùng đại các nguồn nước không đảm bảo chất lượng, bị ô nhiễm mà nguyên nhân phần lớn là từ chính con người mà ra. Thiết nghĩ, khi dự án đã được phê duyệt như vùng thượng nguồn sông Hương đã nói trên mà đơn vị thi công vẫn chậm trễ, cố tình kéo dài thời gian thực hiện khiến người dân bức xúc thì phải chăng chính quyền các cấp của tỉnh Thừa Thiên- Huế cần có chế tài xử lý nghiêm minh; yêu cầu nhanh chóng thi công để có nguồn nước sạch cứu cơn khát đang ngày càng trở nên trầm trọng ở nơi đây..