Bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới
Những điểm sáng trong thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
Theo bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH), thời gian qua, việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đã có những điểm sáng nổi bật như: lần đầu tiên có 03 đồng chí nữ là Ủy viên Bộ Chính trị (chiếm tỉ lệ 15,78%). Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 27,31%, tăng 3,11% so với khóa XIII và lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam xếp thứ 71/193 quốc gia, cao hơn mức trung bình của thế giới là 25%. Tỉ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 cũng tăng hơn so với nhiệm kỳ 2010– 2015 ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã.
Có được những kết quả đó là do các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và triển khai pháp luật, chính sách về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng, từ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng cho đến Hiến pháp, các đạo luật và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Chính vì vậy, nhiều thành tựu nổi bật về bình đẳng giới của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam
Mặc dù công tác cán bộ nữ đã có những chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước, song nhìn chung vẫn còn khoảng cách giới khá lớn trong lĩnh vực chính trị. Tỉ lệ nữ lãnh đạo còn thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương còn rất khiêm tốn. Công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ. Khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu cũng tạo ra rào cản trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ. Chưa có những quy định cụ thể trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của nhà nước.
Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia của Tổ chức Oxfam Việt Nam chỉ ra rằng nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp vẫn đang chủ yếu do nam giới đảm nhiệm, cán bộ nữ thường chỉ giữ vai trò cấp phó, tham mưu, giúp việc. Điều này đã hạn chế về quyền và khả năng đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung.
Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH đang trong quá trình đánh giá, tổng kết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020 và đồng thời triển khai xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đều đưa ra các chỉ tiêu thấp hơn các chỉ tiêu đã được nêu ra trong Nghị quyết 11 và trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020. Lí giải điều này, bà Trần Bích Loan cho biết: Các chỉ tiêu của Nghị quyết 11 có khoảng cách khá xa so với thực tế nên không đạt được. Chính vì vậy, khi xây dựng Dự thảo Chiến lược, các ý kiến đưa ra là nên cân nhắc các chỉ tiêu sao cho sát với thực tế hơn.
TS. Lương Thu Hiền, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và Lãnh đạo nữ (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Điểm tiến bộ trong các giải pháp chung của Dự thảo lần này là đã đưa ra được nội dung về người đồng tính, song tính, chuyển giới mà Chiến lược giai đoạn 2011-2015 và Luật bình đẳng giới chưa có. Dự thảo Chiến lược cũng đưa ra các giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, bao gồm:
Một là: Rà soát các quy định của Đảng và Nhà nước về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm. Xác định những bất hợp lý và bất lợi đối với phụ nữ khi thực hiện những quy định này để sửa đổi, bổ sung.
Đây là giải pháp cụ thể để hoàn thiện luật và chính sách liên quan đến công tác cán bộ và bình đẳng giới trong chính trị. Đây là giải pháp quan trọng và cần thực thi ngay. Nếu thực thi được sẽ tạo bước chuyển biến rõ ràng và mạnh mẽ trong thực hiện bình đẳng giới trong chính trị.
Hai là: Quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ nữ, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ nữ.
Ba là, Xây dựng và triển khai Đề án “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn phát triển đến năm 2030”.
Bốn là: Xây dựng quy hoạch dài hạn đội ngũ cán bộ nữ trong tổng thể quy hoạch cán bộ của Đảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương.
Năm là: Các cấp ủy đảng, cơ quan quản lý các cấp tăng cường kiểm tra, giám sá công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý.
Sáu là: Nâng cao chất lượng và sự tham gia của đại biểu nữ trong các cơ quan dân cử, nhất là đại biểu chuyên trách.
Quang cảnh Hội thảo.
Hội thảo “Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị” là diễn đàn để các đại biểu thảo luận cởi mở về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói chung, sự tham gia của phụ nữ trong các cấp ủy Đảng, cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước nói riêng; những khó khăn, thách thức và nguyên nhân; chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Từ đó, tham vấn, góp ý sâu cho các chỉ tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được nêu trong dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021-2030 nhằm đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới mình, phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau... thông qua đó, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực.
Thảo Vân/ GĐTE