Theo thống kê của WHO, hiện nay nước ta có khoảng 13% dân số, tương đương với khoảng 12 triệu người sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật, trung bình cứ 5 hộ gia đình thì có 1 hộ có người khuyết tật. Người khuyết tật ở Việt Nam phải đối với mặt nhiều rào cản, trong đó có việc tiếp cận nhà ở, công trình công cộng chưa phù hợp với người khuyết tật. Hiện việc xây dựng mô hình nhà ở có thiết kế phù hợp với người khuyết tật vẫn đang là vấn đề chưa được giải quyết.
Theo Quyết định 1190/QĐ-Ttg, giai đoạn 2021-2025: 80% công trình xây dựng mới và 30% công trình cũ là trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước như nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thảo, nhà chung cư xây mới đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, nhiều địa phương không biết đến các quy định hiện hành. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ nhà ờ, xóa nhà tạm, dột nát mới chỉ đề cập đến ngân sách hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng và chất lượng nhà, chưa nói rõ đến kỹ thuật; chưa có sự nhận thức đầy đủ về mong muốn của người khuyết tật và thiếu sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp quản lý ở các địa phương; Nhiều công trình khi thiết kế đã bỏ qua yêu cầu tiếp cập của người khuyết tật. Chưa có chính sách và cơ chế khuyến khích xây dựng công trình cho người khuyết tật sử dụng phù hợp…
Bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam cho biết, mặc dù hiện đã có nhiều công trình tính đến yếu tố tiếp cận cho người khuyết tật nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc xây dựng, thiết kế các công trình công cộng, trụ sở và đặc biệt là nhà ở cho người khuyết tật. Cụ thể: trong luật quy định tiếp cận nhà ở là không bắt buộc vì liên quan đến quyền của người khuyết tật và quyền của gia đình họ, dẫn đến người khuyết tật có xe lăn nhưng không sử dụng được. Bởi vì nhà có khi là tam cấp và không tiếp cận được nhà vệ sinh, nếu sử dụng xe lăn cũng không sử dụng được. Cho nên đây cũng là một trong cái vướng, có hỗ trợ trang thiết bị nhưng mà gia đình họ chưa chủ động để cải tạo các điều kiện để tiếp cận. Để mà họ đồng ý cho xã hội hóa để cải tạo cũng phải nâng cao nhận thức từ chính gia đình họ.
Theo bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sống độc lập, những công trình mới xây dựng (không phải hoàn toàn) đã có công trình theo tiêu chuẩn rồi hoặc là chung cư của người khuyết tật là tương đối theo tiêu chuẩn. Nhưng có một thực trạng là khi cải tạo các công trình, vỉa hè thì mọi người lại bỏ đi đường dốc lên những công trình công cộng. Bên cạnh đó, nhu cầu của người khuyết tật lớn nhất là nhà ở. Tất cả những vấn đề này cần phải có tư vấn làm sao đạt được tiêu chuẩn nhà ở và thiết thực nhất cho người khuyết tật chứ không phải là đưa ra quy chuẩn trên giấy tờ.
Để hỗ trợ nhà ở cho người khuyết tật, trong khuôn khổ dự án “Nhà ở tươm tất, cuộc sống tươi đẹp” của Habitat Việt Nam, thông qua các hoạt động đào tạo, xây dựng và nghiên cứu tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, dự án hướng tới mục tiêu thúc đẩy mô hình và quy chuẩn xây dựng nhà ở tiếp cận cho người khuyết tật thông qua thí điểm và khuyến nghị chính sách, từ đó nâng cao điều kiện sống và khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho người khuyết tật tại Việt Nam. Bà Maricelle Regino-Borja – Giám đốc Quốc gia Habitat for Humanity Việt Nam, nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng mọi người đều xứng đáng có một mái ấm tươm tất để có thể sống một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, người khuyết tật thường bị cô lập trong chính môi trường sống của họ do không thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Những khó khăn này làm giảm hiệu suất, động lực, sự độc lập và khả năng làm việc hoặc tham gia các hoạt động xã hội của họ. Vì vậy, chúng tôi hy vọng hội thảo này có thể nâng cao quyền và nhu cầu của cộng đồng người khuyết tật, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến đa ngành giúp tháo gỡ các rào cản về nhà ở cho người khuyết tật tại Việt Nam.”