Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc SKSS cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số

 
Lễ giới thiệu Dự án.
 
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam hiện có 24,6 triệu người trẻ tuổi (từ 20-24), chiếm gần một phần ba tổng dân số quốc gia. Đây là tỷ lệ cao nhất trong những năm qua. Những người trẻ tuổi ngày càng có xu hướng tiếp xúc với tình dục từ sớm, dẫn tới các ca mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai không an toàn. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới năm 2016, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Thực tế cho thấy nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục (SKSS&TD) tuy còn rất cao nhưng vẫn chưa được đáp ứng hết. Trong số này, người nghèo, phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số là các nhóm gặp nhiều khó khăn hơn cả.
 
 
Ông Tom Corrie – Phó Trưởng ban Hợp tác và Phát triển,  Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.
 
Nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng và có nhạy cảm giới cho nhóm yếu thế ở các khu vực nông thôn và dân tộc thiểu số của Việt Nam, dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số” được ActionAid Việt Nam và đối tác phối hợp thực hiện từ tháng 2017 đến 2021, với tổng ngân sách khoảng 800.000 Euro. Sáng kiến này nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng có nhạy cảm giới cho nhóm yếu thế ở khu vực nông thôn và dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
 
 
Các đại biểu tham dự Lễ giới thiệu Dự án.

“Điểm nổi bật của dự án là mô hình phòng khám sản phụ khoa ngoài công lập được các tổ chức xã hội thành lập và vận hành. Ngoài ra, người dân sẽ chủ động tham gia vào quá trình giám sát thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh, cho phép đưa phản hồi nhằm cải thiện chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các mô hình phòng khám, tư vấn, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục như thế này, lần đầu tiên được triển khai tại Tây Nguyên, góp phần cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số địa phương“- bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam cho biết.
 
 
Vở kịch minh họa.

Ông Tom Corrie – Phó Trưởng ban Hợp tác và Phát triển,  Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam chia sẻ. “Với tính thiết thực, độc đáo và bền vững, Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam kỳ vọng rằng trong tương lai, sáng kiến do Dự án khởi xướng sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ công có nhạy cảm giới tại Việt Nam”.  
 
Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, dự án không chỉ giúp cho cộng đồng yếu thế có tiếng nói đầy đủ hơn trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển tại địa phương mà còn thúc đẩy một mạng lưới các tổ chức xã hội có khả năng đại diện, lắng nghe, hành động, trao sức mạnh cho cộng đồng, cũng như chủ động trong các hoạt động vận động chính sách các cấp, hỗ trợ cải thiện Quyền được Chăm Sóc sức khỏe sinh sản và tình dục và các dịch vụ cho phụ nữ dễ bị tổn thương và thanh niên trong các cộng đồng dân tộc thiểu số. 

Dự án hướng tới 95.320 đối tượng hưởng lợi cuối cùng, tương đương với 60% dân cư cấp huyện là người trẻ và phụ nữ tại hai huyện Krông Bông (tỉnh Dak Lak) và Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). 

 

Châu Anh/ GĐTE