Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thúc đẩy hợp tác ứng phó các thảm họa thiên tai đảm bảo đời sống dân sinh

Chiều 22/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu đã chủ trì hội nghị sơ kết Chương trình phối hợp năm 2016 và thống nhất kế hoạch hoạt động năm 2017 về công tác phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới.

 

 

Trong năm 2016, Bộ NN&PTNT và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ký kết 3 văn bản phối hợp quan trọng, gồm: Chương trình phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trong triển khai Luật phòng, chống thiên tai giai đoạn 2016-2020; Chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2020 với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bản ghi nhớ với Tổng cục Lâm nghiệp trong triển khai dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” và quản lý các diện tích rừng do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trồng. Đây là 3 chương trình phối hợp hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực trong tổng số hơn 33 chương trình phối hợp trong hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được ký kết với các đơn vị, tổ chức. 

Thông qua các Chương trình phối hợp, nhất là Chương trình phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nhiều hoạt động khởi sắc từ Trung ương tới địa phương, một số mô hình mới đã được triển khai, tạo cơ hội cho hệ thống Hội Chữ thập đỏ và tăng cường lực lượng, nguồn lực cho chính quyền. Trung ương Hội thành lập Phòng Điều hành ứng phó thảm họa ở cấp Trung ương, Đội Ứng phó thảm họa quốc gia, 34 đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh, trên 200 đội ứng phó thảm họa cấp xã thuộc 62 huyện ở 23 tỉnh, thành phố.

Như vậy, bên cạnh lực lượng bộ đội và công an, Hội Chữ thập đỏ là tổ chức dân sự duy nhất có hệ thống đội ứng phó thiên tai, thảm họa từ Trung ương đến xã, phường. Đến nay, đã có 745 tập huấn viên, hướng dẫn viên trong toàn quốc; triển khai các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng và xây dựng cộng đồng an toàn tại 585 xã/phường (chiếm hơn 1/3 số xã/phường được Đề án 1002 tiếp cận) thuộc 142 huyện, quận của 36 tỉnh, thành phố, trong đó đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng (VCA) trên 300 xã/phường, phương pháp đánh giá VCA đã được phát triển thành tài liệu/phương pháp đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRA).
Thông qua dự án trồng rừng, các cấp Hội đã trồng và chăm sóc gần 9.000 ha rừng trong tổng số 24.000 ha rừng đã trồng tại 193 xã, chiếm hơn 4,27% tổng diện tích rừng ngập mặn cả nước và khoảng 25% diện tích rừng tại các tỉnh, thành phố dự án, góp phần bảo vệ gần 100 km đê biển và cộng đồng cư dân ven biển, tạo việc làm và sinh kế cho hàng chục ngàn người. Trong công tác triển khai xây dựng các cộng đồng an toàn: Trung ương Hội tham gia đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xã an toàn về phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới” thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới;Hai bên phối hợp bàn giao, hướng dẫn sử dụng bản đồ hiện trạng, phân vùng trượt lở đất đá và cắm 46 biển cảnh báo sạt lở đất đá tại các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên của tỉnh Lào Cai...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương những kết quả mà hai bên đã phối hợp thực hiện trong năm 2016.


Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong năm 2016 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định vấn đề phòng chống thiên tai là vấn đề nổi lên hàng đầu, thiệt hại lên tới 1,7 tỷ USD. Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức đoàn thể xã hội trong đó có Hội Chữ thập đỏ nên thiệt hại do thiên tai đã được giảm tới mức thấp nhất. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ, trong đó có Tổng cục Phòng, chống thiên tai. Đây là cơ hội để hai bên rà soát lại các nội dung phối hợp cho phù hợp, sát với thực tế. 

Hai bên ký kết hợp tác.


Về kế hoạch phối hợp giữa Bộ và Hội trong năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hai bên cần phải xây dựng một số mô hình điểm, xã điểm trong thực hiện các chương trình phối hợp giữa hai bên, trong đó đưa vào những nội dung phối hợp thực hiện cụ thể như: xây nhà chống lũ, công tác tập huấn, đào tạo cho người dân; vấn đề sơ tán, thích ứng tại chỗ... “Chương trinh ký kết hợp phải cụ thể hóa, chi tiết không cần làm quá rộng, nhưng phải đầy đủ hết về chức năng, nhiệm vụ của hai bên” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Về xây dựng nông thôn mới, 7 vùng kinh tế xã hội thì mỗi vùng chọn ra một xã tập trung vào thoát nghèo một cách bền vững, nước sạch và môi trường rác thải. Nguồn lực hai bên sẽ tập trung dồn vào để giải quyết, làm nhân tố để mở rộng, lan tỏa ra các địa phương khác.
Nhân dịp này, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ký kết văn kiện chương trình phối hợp, hợp tác năm 2017. Đây là chương trình khung, làm căn cứ triển khai thực hiện trong thời gian tới.