Thủ đô Hà Nội đã trở thành điểm khởi đầu cho hành trình trồng cây trung hòa Carbon hướng đến Net Zero do Vinamilk và Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện trong 5 năm từ 2023-2027 với tổng ngân sách là 15 tỷ đồng. Đây là dự án nhằm hưởng ứng mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0” mà Chính phủ Việt Nam cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).
Tại buổi lễ khởi động diễn ra ở khu di tích quốc gia Đền Hai Bà Trưng, đại diện Vinamilk và Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao tặng hơn 1.000 cây xanh trưởng thành với giá trị gần 1,5 tỷ đồng trồng tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Các cây trồng được lựa chọn là những cây khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, kích thước từ 3 – 5m và có thể cao lên đến trên 15m khi trưởng thành. Những cây thân gỗ có quá trình sinh trưởng lâu dài, do đó lượng carbon tích lũy cũng sẽ tăng hàng năm cùng với tuổi thọ của cây; đồng thời còn có tác dụng cải tạo cảnh quan, tạo bóng mát, không khí trong lành cho thủ đô Hà Nội.
Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường chia sẻ: “Lựa chọn Hà Nội làm điểm khởi động cho dự án bởi Ban tổ chức kỳ vọng rằng từ Thủ đô, trái tim của đất nước, hành trình trồng cây hướng đến mục tiêu trung hòa carbon Net Zero vào năm 2050 sẽ lan tỏa đến nhiều địa phương trên khắp Việt Nam. Bên cạnh đó, Khu di tích Quốc gia Đền thờ Hai Bà Trưng chứa đựng những ý nghĩa lịch sử đặc biệt về tình yêu nước, tinh thần bảo vệ Tổ quốc xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử. Trong thời đại hiện nay, hành động chung tay bảo vệ môi trường cũng chính là đang góp phần bảo vệ đất nước trước những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, hướng đến một Việt Nam xanh hơn và bền vững hơn.”
Đây là điểm trồng cây đầu tiên được thực hiện ngay sau khi Vinamilk và Báo Tài nguyên và Môi trường ký kết biên bản ghi nhớ vào cuối năm 2022 về việc triển khai “Hoạt động trồng cây để trung hòa carbon hướng đến Net Zero”. Sau Hà Nội, hành trình năm 2023 sẽ được Vinamilk cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu, lập kế hoạch và trồng cây tại các địa phương khác trên cả nước.
Đại diện dự án cho biết thêm, hoạt động trồng cây hướng đến Net Zero sẽ được thực hiện với 4 định hướng trọng yếu gồm: Hợp tác nghiên cứu cùng các chuyên gia, đơn vị tư vấn chuyên môn trong và ngoài nước; Lên kế hoạch chăm sóc, duy trì, bảo vệ để đảm bảo sự sinh trưởng của cây; Đo đạc, thống kê, báo cáo nhằm kiểm kê tính toán hấp thụ khí nhà kính và Thông qua hoạt động, truyền tải thông tin nâng cao nhận thức về Net Zero và lan tỏa tình yêu thiên nhiên, cây xanh đến cộng đồng.
Ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc điều hành của Vinamilk phát biểu tại sự kiện: “Vinamilk từng thực hiện rất nhiều dự án trồng cây, trồng rừng. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy điều quan trọng nhất là phải chăm sóc, duy trì được sự sống cho những cây trồng. Do đó, dự án trồng cây hướng đến Net Zero tập trung xây dựng các kế hoạch trồng cây một cách khoa học nhằm duy trì tỷ lệ cây xanh sống và sinh trưởng ở mức cao nhất, không để lãng phí nguồn tài nguyên xanh của tự nhiên.”
Trồng cây là một nhóm giải pháp chủ đạo để giúp hấp thụ lượng CO2, gia tăng O2 bền vững, thúc đẩy đạt mục tiêu Net Zero 2050. Những cánh rừng vì vậy đang là biểu tượng cho ý nghĩa, tinh thần, thông điệp xanh của cam kết với mục tiêu Net Zero. Đây cũng là một hoạt động vì môi trường đã được Vinamilk thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua.
Từ năm 2012 đến năm 2020, Vinamilk và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp thực hiện Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố với tổng giá trị 12,5 tỷ đồng. Chương trình này là một điển hình cho những nỗ lực và hành động vì môi trường, vì cuộc sống và vì tương lai xanh.
“Vinamilk hy vọng những cây xanh được trồng tại Hà Nội hôm nay sẽ là khởi đầu cho hàng ngàn, hàng triệu cây xanh khác, tạo nên những “cánh rừng Net Zero” trong hành trình 5, 10 năm tới và xa hơn nữa nhằm giảm thiểu dấu chân carbon, tiến tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Vinamilk. Không chỉ hướng đến mục tiêu về hấp thụ khí nhà kính đến năm 2050, dự án này đồng thời mang đến nhiều lợi ích khác về cộng đồng, môi trường, sinh kế cũng như lan tỏa tình yêu thiên nhiên và hình thành ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của cộng đồng”, ông Lê Hoàng Minh chia sẻ.
Hiện tại, Vinamilk đã hoàn tất lắp đặt năng lượng mặt trời tại trụ sở chính, hệ thống các trang trại, nhà máy của doanh nghiệp với công suất lắp đặt là 72,55 MWp, góp phần giảm thiểu gần 85.000 tấn CO2, tương đương với việc trồng 4,6 triệu cây xanh. Tỷ lệ năng lượng xanh trong hoạt động sản xuất của Vinamilk đã lên đến 87% trên tổng năng lượng sử dụng. Vinamilk cũng là doanh nghiệp đi đầu về phát triển bền vững tại Việt Nam, được đánh giá là doanh nghiệp quản lý tốt phát thải khí nhà kính, ứng dụng tốt kinh tế tuần hoàn và là doanh nghiệp bền vững tiêu biểu của Việt Nam nhiều năm liền.