Quang cảnh Hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện của các cơ quan Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy Ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, Uỷ Ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, các tổ chức phát triển và xã hội dân sự.
Hội thảo Ngân sách có trách nhiệm giới tập trung vào những nội dung chính như: Để đảm bảo bình đẳng giới thực chất và phát triển bền vững, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các sáng kiến ngân sách có trách nhiệm giới trong các lĩnh vực ưu tiên của chính phủ, bao gồm chính sách tài chính liên quan đến lập ngân sách, chính sách chi tiêu và chính sách thu của ngân sách nhà nước.
Khai mạc Hội thảo, ông Aaron Batten, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của ADB cho biết “bình đẳng giới luôn là vấn đề trọng tâm trong chương trình hỗ trợ phát triển của ADB cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương. ADB trú trọng tới vấn đề này bởi vì việc phát huy tài năng và triển vọng kinh tế của phụ nữ là vô cùng cần thiết cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, hướng tới kết quả phát triển tốt hơn và tăng trưởng toàn diện hơn.”. Ông Batten cho biết thêm “ADB hỗ trợ giới thiệu phương pháp lập ngân sách có trách nhiệm giới ở Việt Nam thông qua một phần Chương trình Nâng cao Chất lượng Chi tiêu Công của ADB được khởi động ở Việt Nam từ cuối năm 2014.”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong bình đẳng giới bao gồm cải thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và bộ máy quốc gia về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Tuy nhiên, việc đạt được bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh vẫn là mối quan tâm lớn trong xã hội Việt Nam. Những thách thức về việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức, tác động của biến đổi khí hậu và giới hạn trong việc tiếp cận hệ thống an sinh xã hội đã ảnh hưởng đến cuộc sống của một tỷ lệ lớn dân số, phần lớn là phụ nữ và người nghèo.
Kinh nghiệm toàn cầu cho thấy một trong những giải pháp cho những thách thức này là lồng ghép giới vào quy trình xây dựng kế hoạch, lập dự toán ngân sách, thực hiện ngân sách và kiểm toán ngân sách của chính phủ hay còn gọi là “ngân sách có trách nhiệm giới”. Đây là công cụ giải trình trách nhiệm chính để theo dõi và hỗ trợ thực hiện các cam kết về bình đẳng giới của chính phủ. Ra đời từ cuối tập niên 80 của thế kỉ 20, cho đến nay đã có trên 100 quốc gia giới thiệu và thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women Việt Nam cho biết: “Ở cấp toàn cầu, UN Women đã hỗ trợ cho hơn 60 quốc gia trong việc lập ngân sách có trách nhiệm giới. Ở Việt Nam, UN Women đã tiến hành các nghiên cứu và xây dựng năng lực cho các bên liên quan về lập ngân sách có trách nhiệm giới từ năm 2014.”
“Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam đối với vấn đề bình đẳng giới bằng việc thông qua các nguyên tắc bình đẳng giới trong việc lập và chi tiêu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện những nguyên tắc này như nâng cao nhận thức, xây dựng cơ chế làm việc giữa cơ quan tài chính, kế hoạch và các bên liên quan cũng như phát huy hiệu quả tiếng nói từ các tổ chức xã hội dân sự trong việc giám sát các dịch vụ công cho các nhóm xã hội.” bà nói.
Thảo Vân/ GĐTE