Đặt bản thân vào vị trí của trẻ
Là đơn vị tổ chức chiến dịch và đối thoại thường niên với chủ đề “Lan toả yêu thương" - chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) chia sẻ, người lớn thường coi trẻ bé bỏng nên chăm lo tới quyền bảo vệ, giáo dục, mà chưa quan tâm đúng mức đến quyền tham gia của trẻ em.
“Vì thế hiện nay trẻ em còn thiếu không gian và môi trường thúc đẩy sự tham gia, đặc biệt là trong gia đình. Đương nhiên, trẻ em có thể có góc nhìn khác với người lớn, trẻ em cũng không phải người lớn thu nhỏ, nhưng các em cũng có những ý kiến chính kiến của riêng mình rất cần được tôn trọng dù là trong gia đình, nhà trường hay cộng đồng xã hội, vì thế, cần thúc đẩy các phương pháp giáo dục tích cực và sự tham gia của trẻ em trong các môi trường này”, bà Nguyễn Phương Linh nói.
Đồng thuận, TS Trần Văn Hùng, cũng là thầy giáo của Lớp học xanh Sơn Nam (tỉnh Hưng Yên), chia sẻ trong một dịp giao lưu với một số cha mẹ: “Nhiều cha mẹ cứ quen lấy uy quyền của người lớn áp đặt lên con trong mọi chuyện mà chẳng thèm lắng nghe ý kiến của con", ông nói và chia sẻ thêm, nhiều khi con có mối bận tâm "to đùng" nhưng cha mẹ lại cho rằng chúng quá "cỏn con".
Hoặc cha mẹ nghĩ rằng, mình nuôi con từ bé nên "đi guốc trong bụng con" rồi chứ lắng nghe con chi nữa. “Chưa hết, cha mẹ nào có sẵn định kiến về con (chẳng hạn định kiến rằng "con luôn nói dối") lại càng ít chịu lắng nghe con...”, ông Hùng chia sẻ.
Áp đặt, nhưng lại muốn trẻ chủ động
Theo các chuyên gia, người lớn rất ít khi hỏi ý kiến trẻ “Con có ý kiến như thế nào? con có sự lựa chọn hay quyết định như thế nào?”, mà luôn áp đặt mọi thứ cho trẻ khiến trẻ phải nghe theo một cách thụ động, nhưng lại mong chờ trẻ sẽ chủ động, tư duy độc lập, có chính kiến khi lớn lên.
Điều này rất mâu thuẫn, do đó, hãy thúc đẩy sự tham gia của trẻ từ khi còn nhỏ. Đó không chỉ là việc giáo dục, phát triển, đảm bảo quyền và sự tham gia của trẻ em mà còn góp phần xây dựng một thế hệ công dân văn minh, có tư duy, thông minh, có giải pháp và biết ra quyết định khi trưởng thành, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Để đáp ứng nhu cầu trẻ em tốt nhất thì không gì tốt hơn việc lắng nghe các em.Vì thế, theo các chuyên gia, cần thúc đẩy sự tham gia của trẻ một cách thực chất: từ suy nghĩ tới hành động, để trẻ em được đưa ý kiến, được lựa chọn và được ra quyết định trong các vấn đề phù hợp liên quan tới trẻ em.
Đại diện Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em, Bà Nguyễn Hải Anh, Quản lý dự án Viện MSD cũng nhìn nhận: “Công tác trẻ em luôn đặt ra những thách thức hàng ngày, hàng giờ, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 và để đáp ứng nhu cầu trẻ em tốt nhất thì không gì tốt hơn việc lắng nghe các em.”
Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cho biết, trong một số gia đình, cha mẹ chưa bao giờ quan tâm tới suy nghĩ của trẻ, không đặt con ở vị trí trung tâm. Các phụ huynh luôn mong muốn, kỳ vọng rất lớn ở con cái. Mong muốn, kỳ vọng thì không sai, nhưng nếu bố mẹ không tìm hiểu mơ ước, sở trường của con, không đặt mình vào vị thế của con thì sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực.
“Chúng ta không thể bắt một đứa trẻ có thiên hướng về âm nhạc hay hội họa đi học làm bác sĩ. Khả năng con mình có hạn nhưng lại yêu cầu con phải vào bằng được trường chuyên, lớp chọn. Nếu trẻ có làm thì cũng rất miễn cưỡng rồi nảy sinh tư tưởng chống đối”, ông Quý nói.
Kỳ vọng quá nhiều dẫn đến gây áp lực cho con vẫn còn khá phổ biến
Về sự tham gia của trẻ em trong cộng đồng, bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá – Giáo dục, Văn phòng Quốc hội chia sẻ những nội dung khi tham gia giám sát việc thực thi Quyền Trẻ em tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh bên cạnh những thuận lợi, kết quả đã đạt đươc, việc thực thi vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức khi nhiều hoạt động chỉ lấy ý kiến đại diện trẻ em, còn mang tính chất trình diễn, chủ yếu để báo cáo.
Hoặc lấy ý kiến mà không theo đuổi xem những ý kiến đó được giải quyết như thế nào; hoạt động chưa thường xuyên, kịp thời, đại đa số mới chỉ tiếp nhận qua sự kiện như diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ, Hội đồng trẻ em, mạng xã hội; chưa có tổ chức/biện pháp tiếp nhận thường xuyên ý kiến của trẻ em và xử lý phân loại, chuyển gửi các cơ quan giải quyết; Chưa chạm tới các nhóm yếu thế, khó khăn;
Ngoài ra, còn thiếu kênh phản hồi: Chưa có báo cáo rà soát cụ thể về kết quả tiếp thu/thực hiện/giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em; Chưa có nhiều và chưa có sẵn những công cụ hỗ trợ đại biểu dân cử, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức làm việc về trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em dễ dàng hơn, thuận tiện hơn khi thực hiện vai trò giám sát của mình.
Đồng quan điểm, PGS. TS Lê Văn Hảo, chuyên gia tâm lý cho rằng, việc các bậc phụ huynh không thật sự thấu hiểu con, gò ép con sống theo lý tưởng của bố mẹ, kỳ vọng quá nhiều dẫn đến gây áp lực cho con vẫn còn khá phổ biến ở nước ta. Dù cha mẹ “nhân danh tình yêu” để dẫn dắt, gò ép con thì điều này cũng sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn vì trẻ không được là chính mình.
Mỗi đứa trẻ như một mầm cây, đủ nắng, đủ gió, đủ năng lượng, cây sẽ nảy mầm và phát triển, có thể còn hơn nhiều so với cha mẹ kỳ vọng.