30 năm lập gia đình mới có tên trong sổ đỏ
“Sau gần 30 năm lập gia đình, giờ mới được có tên trong sổ đỏ”, đó là tâm sự của chị Vi Thị Oanh, một phụ nữ dân tộc Thái 50 tuổi, ở xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Chị Oanh cho biết, sau khi kết hôn, vợ chồng chị sống cùng bố mẹ chồng trên thửa đất ở của bố mẹ chồng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất với diện tích 320m2 và mang tên của bố chồng. Vợ chồng chị cùng canh tác trên diện tích đất nông nghiệp được cấp sổ đỏ năm 1997 với diện tích 4.252,7m2 (gồm đất lúa, ao, màu), GCNQSD đất nông nghiệp cũng mang tên của bố chồng.
Bố mẹ chồng chị Oanh có 5 người con đều đã lập gia đình và ở riêng. Mẹ chồng chị đã mất, bố chồng đang ở cùng gia đình chị và tuổi đã hơn 80, sức khỏe ngày một sa sút. Tuy vậy, ông chưa muốn chuyển tên trên GCNQSD đất sang cho vợ chồng chị và cũng chưa có ý định viết di chúc để lại quyền sử dụng các thửa đất đó.
Theo phong tục của dân tộc Thái người con nào mà ở và chăm sóc ông bà, cha mẹ sẽ được thừa kế quyền sử dụng đất của ông bà, cha mẹ để lại mà không cần có di chúc. Trước đây, khi đất chưa có giá trị, anh em trong gia đình rất hòa thuận trong việc phân chia thừa kế đất theo phong tục như vậy. Những năm gần đây khi giá trị của đất tăng do phát triển du lịch đã làm gia tăng các vụ việc tranh chấp về đất giữa các anh chị em trong gia đình khi bố mẹ mất mà không để lại di chúc và không thực hiện theo phong tục.
Với hiện thực của gia đình mình như vậy chị Oanh rất lo lắng làm sao để tránh được tình trạng tranh chấp đất giữa các anh chị em nhà chồng với gia đình mình trong tương lai. Song nỗi lo lắng của chị đã được giải quyết sau khi tham gia hoạt động của dự án “Tăng cường kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số” triển khai tại địa phương.
Với những kiến thức được trang bị trong các khóa tập huấn, chị đã bàn với các anh em trong gia đình nhà chồng cùng phối hợp thuyết phục bố chồng đồng ý làm hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất nông nghiệp cho vợ chồng chị. Khi có hợp đồng tặng cho đất của bố chồng và biên bản phân chia di sản thừa kế quyền sử dụng đất từ phần của mẹ chồng được hưởng, vợ chồng chị đã gửi hồ sơ gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai huyện và đã được cấp GCNQSD cho các thửa đất với tên hai vợ chồng chị.
Nhiều phụ nữ vẫn chưa được hưởng lợi
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 20/5/2020, tổng số giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 24,69 triệu giấy chứng nhận (hộ gia đình là 15,07 triệu, cá nhân là 5,01 triệu, cả vợ và chồng là 4,6 triệu), trong đó có 15,68 triệu giấy chứng nhận có tên người phụ nữ. Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận đã cấp cho tài sản chung là của vợ và chồng nhưng chỉ ghi tên người chồng hiện nay trên cả nước còn khoảng 12 triệu.
Để tạo sự công bằng và khắc phục những tồn tại, Luật Đất đai năm 2013 quy định đối với trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng mà giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi tên vợ hoặc chỉ ghi tên chồng thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ, đặc biệt ở vùng nông thôn miền núi chưa nhận thức đầy đủ về quyền và lợi ích khi mình được đứng tên trên GCNQSD đất, tâm lý e ngại về thủ tục giấy tờ và chi phí cũng như yếu tố nhạy cảm về văn hóa - xã hội.
Nhằm bảo đảm quyền bình đẳng về quyền sử dụng đất của phụ nữ, tránh các tranh chấp về đất đai, tạo điều kiện để người phụ nữ được chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế - xã hội, năm 2020 Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế - Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) đã thực hiện Dự án “Tăng cường quyền đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam thông qua việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ pháp lý” tại huyện Quế Phong của tỉnh Nghệ An và huyện Mai Châu tỉnh Hoà Bình. Trong đó, có 13 xã thuộc huyện Quế Phong (Nghệ An) và 6 xã thuộc huyện Mai Châu (Hòa Bình). Dự án được tổ chức INKOTA (CHLB Đức) tài trợ cho CISDOMA triển khai từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2022.
Anh Vũ Thế Thường, Quản lý Dự án cho biết, mục tiêu chung của Dự án là phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Nghệ An và tỉnh Hoà Bình thực hiện thành công quyền tiếp cận với đất đai của mình khi có nhận thức đầy đủ và dịch vụ trợ giúp pháp lý được cải thiện. Để đạt được mục tiêu này, dự án sẽ nâng cao kỹ năng truyền thông, tư vấn, trợ giúp pháp lý về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ cho cán bộ Trung tâm Trợ giúp viên pháp lý nhà nước và đội ngũ cán bộ chức năng cấp huyện, xã, trên cơ sở đó các đội ngũ này sẽ triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số ở các địa phương.