Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thức dậy tiềm năng du lịch nông nghiệp

Tiềm năng và dư địa để phát triển

Từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô không chỉ có ưu thế về du lịch văn hóa, lịch sử mà còn thêm cả tiềm năng về du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Phát triển du lịch xanh đang là hướng đi được thành phố và các công ty du lịch lựa chọn.



Du lịch nông nghiệp đang có xu hướng trở thành điểm nhấn cho du lịch Thủ đô.

Mặt khác, do hệ thống giao thông kết nối trung tâm các thành phố lớn với các khu vực vùng ven đang ngày càng thuận tiện, tạo điều kiện cho các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ven đô phát triển mạnh.

Thực tế cho thấy, các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, homestay... đều gắn chặt với yếu tố môi trường. Do vậy, phát triển sinh kế cho người dân cũng là cách góp phần bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

"Du lịch xanh" chắc chắn sẽ không chỉ là việc cần hướng đến trong mùa du lịch năm 2019, mà là thông điệp xuyên suốt vì sự phát triển bền vững của ngành "công nghiệp không khói". Cùng với thế mạnh du lịch văn hóa, lịch sử, danh thắng, Hà Nội còn có lợi thế về du lịch sinh thái nông nghiệp. Hà Nội là địa phương có rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển du lịch sinh thái. Đây là loại hình du lịch đưa du khách trở về với thiên nhiên và đến gần hơn với các hoạt động của cộng đồng dân cư bản địa. Mỗi vùng đất của Hà Nội đều có thể xây dựng những sản phẩm du lịch khác nhau và cần làm ra những sản phẩm đặc thù của mình để thu hút khách du lịch.

Điển hình như hướng phát triển du lịch nông nghiệp của Phúc Thọ. Trên cơ sở những tiềm năng sẵn có của huyện, Phúc Thọ đã xây dựng tour trải nghiệm miệt vườn “Green tour - Healthy life” thành sản phẩm du lịch đặc thù với loại hình du lịch nông nghiệp sinh thái vốn được khách nước ngoài rất ưa chuộng. Du khách sẽ được tham quan những vườn hoa quả bạt ngàn mùa nào thức nấy, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa, tham gia làm vườn, cấy lúa, hái rau… và được thưởng thức những sản vật địa phương vô cùng độc đáo, hấp dẫn.

Cách trung tâm Hà Nội chỉ 15km, khu du lịch trải nghiệm Hải Đăng, xã Yên Mỹ (Thanh Trì), cũng là một điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn. Trung bình mỗi năm, khu du lịch đón hàng chục nghìn lượt khách đến trải nghiệm. Trang trại trồng rau xanh ở Giang Biên (quận Long Biên) nhiều năm nay là địa chỉ hấp dẫn những hoạt động trải nghiệm nông nghiệp.

Cùng với đó, một số mô hình tham quan trang trại, miệt vườn cũng đã được triển khai tại các huyện ngoại thành như: Sóc Sơn, Chương Mỹ, Đan Phượng, Ba Vì, Gia Lâm, Long Biên... giúp khách du lịch có được những trải nghiệm thú vị.

Các mô hình du lịch nông nghiệp hoạt động với phương châm kết hợp chia sẻ hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp, dưới dự bảo hộ của chính quyền địa phương. Với mong muốn sản xuất nông sản sạch cung cấp cho thị trường Hà Nội, đồng thời cung cấp các dịch vụ du lịch nông nghiệp sinh thái, khi đến đây, khách du lịch được trực tiếp tham gia vào các công việc nhà nông thường ngày như nhặt cỏ, hái rau, nhặt trứng gà, cho bò ăn…, đặc biệt thu hút khách nội đô, các trường học và khách nước ngoài thích trải nghiệm.

Tạo điểm nhấn cho du lịch Thủ đô

Hình loại du lịch nông nghiệp đang có xu hướng trở thành điểm nhấn cho du lịch Thủ đô. Tuy có nhiều dư địa, nhưng hiện nay du lịch nông nghiệp còn phát triển manh mún, chủ yếu tập trung ở một số địa phương. Các điểm du lịch vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, trùng lặp. Bà con nông dân vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp mà chưa có đủ các kỹ năng phục vụ du khách. Phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ khác. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh...

Khách du lịch được trực tiếp tham gia vào các công việc nhà nông thường ngày.

Song song với đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp, xây dựng bộ tiêu chuẩn về sản phẩm du lịch nông nghiệp từ tên gọi đến nội dung hoạt động, cung cấp kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị sản vật cho các nông hộ, tăng cường vai trò của truyền thông. Đồng thời, xây dựng các mô hình du lịch ở nông thôn phù hợp với các địa phương khác nhau như mô hình trang trại hoặc mô hình du lịch theo quy mô làng để du khách có thể tham gia các hoạt động của làng trong vài ba ngày với các tiện nghi dịch vụ có chất lượng. Cùng với đó, phải tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, sản phẩm du lịch.

Phát triển trang trại nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch là vấn đề mới, hành lang pháp lý cho hoạt động này còn chưa hoàn chỉnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Đối với Hà Nội chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án có giải phóng mặt bằng, trong khi về phía huyện chỉ cấp phép hoạt động cho các trang trại và hộ dân, còn đối với các dự án do doanh nghiệp đầu tư thì phải do thành phố xem xét cấp phép hoạt động.

Vì vậy, việc cần làm lúc này chính là phải tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Có thể thấy, muốn phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, TP. Hà Nội cần sớm hoàn thiện việc quy hoạch du lịch cho từng địa phương và tăng cường quản lý nhà nước để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, tránh tình trạng làm ăn manh mún, làm cho du lịch nông thôn kém tính bền vững.

Thực tế cho thấy, các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, homestay... đều gắn chặt với yếu tố môi trường. Do vậy, phát triển sinh kế cho người dân cũng là cách góp phần bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Thành Sơn / TC Gia đình & Trẻ em