Chiều 3/3, phát biểu kết luận Phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: "Hết sức thận trọng nhưng cũng không bi quan" trong thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thủ tướng đánh giá trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế xã hội cả nước vẫn có những điểm sáng, CPI giảm, xuất khẩu tăng, phát triển doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá, an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đây là nỗ lực, cố gắng lớn của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Tuy nhiên, nhiều ngành, lĩnh vực đã gặp khó khăn, bộc lộ rõ những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực giảm, đặc biệt là du lịch và hàng không chịu tác động rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu. Khu vực dịch vụ chịu tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19.
Các gói hỗ trợ phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân
Trên cơ sở đánh giá cụ thể tình hình, xem xét những yếu tố tác động để đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp, Chính phủ đề nghị huy động mạnh mẽ hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của nhân dân cả nước để thực hiện thành công nhiệm vụ kép: "Vừa chống dịch, kiên quyết không để lây lan, vừa đảm bảo các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra."
Cùng với đó là chuẩn bị tốt mọi điều kiện, khắc phục mọi khó khăn, có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ và các cấp, các ngành đối với sản xuất kinh doanh, dịch vụ; chuẩn bị tốt các điều kiện để phát triển trong thời gian tới.
Về những giải pháp tiếp tục phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp cách ly nghiêm ngặt đối với người từ vùng dịch hoặc qua vùng dịch về Việt Nam; các địa phương liên quan, các lực lượng y tế, quốc phòng, công an cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai nhiệm vụ này.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông và Vận tải khuyến cáo và thông báo đầy đủ đối với các doanh nghiệp và du khách đến Việt Nam thực hiện cách ly đủ 14 ngày nếu đi qua hoặc đến từ vùng dịch. Song, trong đó, cần chú ý tạo điều kiện cho chuyên gia, nhà quản lý cấp cao, xem xét mức độ để xử lý kịp thời hơn; có biện pháp can thiệp nhanh, cách ly ngay về y tế như đã công bố.
Nhằm khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19.
"Tinh thần chung là phải giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có địa chỉ rõ ràng để triển khai thực hiện ngay, không nói chung chung, lòng vòng" Thủ tướng nói và đặc biệt lưu ý các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết là cho du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu.
"Hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không phải là bao cấp cho sự yếu kém, trong đó có hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp, hỗ trợ về chính sách tài khóa. Các gói hỗ trợ này phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không có cơ chế xin-cho, thiếu minh bạch.", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu không tăng giá điện, xử nghiêm hành vi găm hàng nâng giá
Thủ tướng nêu rõ, ổn định vĩ mô vẫn là then chốt, không để vì các lý do khác làm ảnh hưởng đến mục tiêu này. Các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị sẵn các kịch bản, phương án và đối sách với tình huống, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và tình hình thế giới, khu vực để không bị động, bất ngờ. Theo dõi chặt chẽ biến động của giá cả, thị trường để góp phần kiểm soát lạm phát. Thủ tướng yêu cầu không tăng giá điện, đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nâng giá.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ vào Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước để ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, nhất là cung ứng tín dụng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, không để thiếu vốn tín dụng.
Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành rà soát, khẩn trương đề xuất phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; xóa bỏ cơ chế quyền anh, quyền tôi, cơ chế xin cho.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông sớm trình phương án tổng thể nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản và giảm chi phí cho sản xuất nông nghiệp.
Ngoài các chính sách hỗ trợ phù hợp về thuế, tín dụng, các ngành giao thông, văn hóa, thể thao và du lịch rà soát, có biện pháp cụ thể hỗ trợ, khuyến khích, giảm chi phí kể cả chi phí vận chuyển…
Bộ LĐ-TB&XH rà soát, đánh giá tình hình và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch COVID-19.
Ngành giáo dục và đào tạo cần có chủ trương hướng dẫn, kiểm soát các giải pháp để học sinh đi học trở lại; thực hiện tốt việc khử trùng lớp học, trường học.
Về lĩnh vực công công nghệ thông tin, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường áp dụng công nghệ, nhất là thanh toán điện tử, dịch vụ công để góp phần chống dịch bệnh. Truyền thông phải làm tốt việc tạo niềm tin cho nhân dân, tôn vinh những tấm gương trong lao động, sản xuất, phòng, chống dịch COVID-19. Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm hành vi thông tin sai sự thật.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều tối nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã thảo luận dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19.
Chỉ thị sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp về (i) vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử; (ii) cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; (iii) bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; (iv) tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển ngành du lịch; (v) thúc đẩy đầu tư và giải ngân; (vi) rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong đó, có một số giải pháp cấp bách, cần được khẩn trương thực hiện như: Cân đối, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí...; giãn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Chính phủ cũng đã dành thời gian cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách. Thời gian tới, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sát sao, tập trung chỉ đạo việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh để Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV bảo đảm tiến độ, chất lượng.