Việc nhà đâu của riêng ai
Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan Viện trợ Ailen và Tổ chức ActionAid Việt Nam được thực hiện tại 9 tỉnh và thành phố ở Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2016, trung bình người phụ nữ dành hơn 5 giờ đồng hồ mỗi ngày cho những công việc “không tên” như: nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con…, nhiều hơn nam giới từ 2 tới 2,5 giờ đồng hồ mỗi ngày. Tức là trong độ tuổi trưởng thành, phụ nữ Việt Nam sẽ dành ít nhất 1/4 cuộc đời cho những công việc chăm sóc không lương (mà chúng ta quen gọi là việc nhà).
Những công việc này tiêu tốn thời gian và cả trí lực khiến người phụ nữ phải hy sinh các quyền lợi khác của mình. Trong khi đó, việc nhà thường không nhận được sự quan tâm đúng mức của các thành viên trong gia đình, cộng đồng và ngay chính bản thân người phụ nữ.
“Việc nhà là công việc của phụ nữ” là định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít người, nên việc thay đổi và chấm dứt sự bất bình đẳng này là vô cùng khó khăn. Nhưng để tiến tới bình đẳng giới thực sự cho người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội, chúng ta phải thay đổi quan niệm này ngay từ bây giờ và ngay trong chính gia đình mình.
Muốn các ông chồng cùng tham gia việc nhà, người phụ nữ cần có sự thỏa thuận ngay từ khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Hãy khuyến khích và khéo léo tạo cơ hội để các ông chồng được thể hiện sự yêu thương và quan tâm đến vợ con bằng những hành động thiết thực. Vợ nấu cơm, chồng rửa bát, vợ quét nhà, chồng lau nhà, vợ đón con, chồng dạy con học bài… Những gì người phụ nữ làm được thì người đàn ông cũng có thể làm được, thậm chí còn có thể làm tốt hơn cả người phụ nữ ở một số mặt. Nếu bạn cứ mặc định nội trợ là công việc của mình, mình phải làm hết thì sẽ chẳng có ai san sẻ việc nhà với bạn. Nếu bạn không tin tưởng vào tay nghề của chồng, luôn cho rằng anh ấy chẳng thể nào nấu được một bữa ăn ngon thì bạn sẽ chẳng có cơ hội được thưởng thức những món ăn độc đáo của anh ấy. Nếu bạn cho rằng anh ấy chả biết gì về việc học của con thì bạn đã bỏ lỡ một gia sư tuyệt vời mà không hề tốn kém một đồng học phí nào.
Không chỉ lôi kéo chồng cùng tham gia việc nhà, các bà mẹ cũng cần huấn luyện các bé trai ngay từ bé phải biết làm việc nhà và biết cách tự chăm sóc bản thân thay vì bao bọc và nuông chiều con.
Việc nhà không phân biệt giới tính, các bé trai có thể làm bất cứ việc nhà nào, miễn phù hợp với độ tuổi và sức khỏe.
Trung bình, phụ nữ Việt Nam dành hơn 5 giờ đồng hồ mỗi ngày cho những công việc chăm sóc không lương. Ảnh: Internet
Phụ nữ cũng có quyền đưa ra các quyết định hệ trọng
Bình đẳng giới trong gia đình không chỉ là bình đẳng trong vấn đề chia sẻ việc nhà, mà quan trọng, người phụ nữ cần được bình đẳng với người đàn ông trong việc đưa ra các quyết định quan trọng, trong vấn đề tài chính, trong vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong quan hệ vợ chồng, đối nội đối ngoại và có quyền nói “Không” với bạo lực gia đình, dù với bất cứ lý do gì.
Trong nhiều gia đình Việt Nam truyền thống, những quyết định lớn thường do đàn ông đưa ra, ý kiến của phụ nữ ít khi được coi trọng. Điều này không bình đẳng. Đã là vợ chồng, mọi quyết định lớn trong gia đình cần có sự bàn bạc, thảo luận của cả hai bên. Nếu trong trường hợp hai vợ chồng bạn không thể thống nhất được ý kiến thì có thể tham khảo thêm ý kiến cha mẹ hoặc các con.
Không chỉ ít được hỏi ý kiến khi đưa ra các quyết định quan trọng trong gia đình, nhiều phụ nữ Việt Nam mặc dù quản lý thu nhập chung của cả hai vợ chồng, nhưng các khoản chi tiêu lớn thì hầu như không có quyền quyết định. Họ có quyền mua thức ăn hàng ngày, đóng tiền học cho con, đóng tiền điện, tiền nước… nói chung là các khoản chi tiêu cố định hàng tháng, nhưng nếu muốn mua cái tivi, hay tủ lạnh mới thì bắt buộc phải hỏi ý kiến các ông chồng.
Khoảng 80% số vụ ly hôn xuất phát từ bạo lực gia đình. Ảnh: Internet
Bình đẳng giới nói “Không” với bạo lực gia đình
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, từ 2012 - 2016, cả nước đã xảy ra 127.258 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, nam giới chiếm 83,69% đối tượng gây thương tích. Khoảng 80% số vụ ly hôn xuất phát từ bạo lực gia đình.
Còn theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam (2010), 58% phụ nữ từng kết hôn cho biết rằng họ đã từng bị ít nhất 1 trong 3 loại bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần trong cuộc đời.
Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn thương nghiêm trọng về thể xác lẫn tinh thần đối với phụ nữ mà còn là sự vi phạm thô bạo các quyền con người của phụ nữ và làm băng hoại đạo đức xã hội. Sự vi phạm này cần phải được xóa bỏ.
Bình đẳng giới không có chỗ cho bạo lực gia đình trú ngụ. Nếu bị bạo lực gia đình, đừng cam chịu, hãy sớm lên tiếng và đề nghị cộng đồng giúp đỡ.
Bà Melinda Gates - 1 trong 3 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới cho rằng: “Những người phụ nữ hàng giờ, hàng ngày phải làm những công việc chăm sóc không lương sẽ bị cướp đi khả năng tiềm tàng của người phụ nữ”.
Phương Anh/GĐTE