Với phương châm “không để người hồi hương ở lại phía sau”, vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm cho người hồi hương đang được các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh hết sức quan tâm với việc triển khai nhiều giải pháp góp phần cùng Chính phủ thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128 thích ứng an toàn linh hoạt để thúc đẩy phát triển kinh tế và phòng chống dịch COVID 19 hiệu quả.
Để tìm kiếm cơ hội việc làm cho người hồi hương, Trung tâm DVVL tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm (GDVL) Online. Hàng tháng, Trung tâm đã tổ chức phiên GDVL cố định vào ngày 15 tại TP. Hà Tĩnh, ngày 20 tại Sàn GDVL Kỳ Anh và các phiên GDVL dành riêng cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn.
Đây là cơ hội để người lao động, người hồi hương và doanh nghiệp gặp nhau, tạo cho nhau cơ hội để cùng giải quyết bài toán việc làm, phục hồi nền kinh tế trong đại dịch.Qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn, như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty may Haivina Hồng Lĩnh, Công ty CP May xuất khẩu MTV, Công ty CP TTH Hà Tĩnh, Công ty CP Gang thép Vũng Áng… với chỉ tiêu tuyển dụng hơn 3.000 lao động. Từ khảo sát thực tế nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương có giải pháp mang tính vĩ mô, tầm nhìn dài hạn cho vấn đề giải quyết việc làm.
Dịch COVID-19 bùng phát khiến vợ chồng chị Lương Thị Nga (ở xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) làm công nhân tại Bình Dương gặp khó khăn. Sau 3 tháng cầm cự, cuối cùng gia đình quyết định về quê tránh dịch, tìm công việc mới. Qua tìm hiểu, chị Nga cho biết Công ty Cổ phần May Five Star đóng trên địa bàn huyện Hương Sơn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động đúng với chuyên môn và chị đã đến ứng tuyển.
Chị Lương Thị Nga bày tỏ phấn khởi: “Ở trong Bình Dương dịch bệnh bùng phát, nên gia đình tôi phải trở về. Một tháng ở đây, tôi làm đến 16h30, nếu không tăng ca cũng đã được 6 triệu. Trong kia thì phải thuê phòng trọ, còn ngoài này thì không có mất tiền thuê phòng trọ, ăn ở gần nhà”.
Qua tìm hiểu tâm tư người lao động khi ly hương họ vẫn đau đáu về quê nhà, nơi có gia đình, người thân. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh họ phải dứt áo ra đi. Dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy giá trị bền vững chỉ khi “an cư mới lạc nghiệp” và trở về địa phương vẫn là mong muốn của phần lớn người lao động.
Ông Trần Đức Lịch, Giám đốc Công ty Cổ phần may Five Star Hà Tĩnh cho biết, “Doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện tốt nhất để tiếp nhận lao động trở về quê tránh dịch có việc làm, ổn định: Hương Sơn có đặc điểm là xã cách xã xa nên công ty bố trí xe đưa đón công nhân, trong khi lượng nhà máy ở đây ít nên việc thu hút 3.000 lao động là trong tầm tay. Hiện tại công ty đã đưa ra những chính sách đối với lao động có tay nghề hỗ trợ 4 triệu đồng và hỗ trợ nhiều chính sách khác để người lao động đảm bảo cuộc sống lâu dài”.
Hiện nay, số lao động từ các tỉnh phía Nam trở về ngày càng nhiều, sau thời gian hoàn thành cách ly thì vấn đề giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho số lao động hồi hương là việc hết sức cấp thiết. Thời gian qua Trung tâm DVVL tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm Online.
Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty may Haivina Hồng Lĩnh, Công ty Cổ phần May xuất khẩu MTV, Công ty Cổ phần Gang thép Vũng Áng…
Cùng với đó, hàng tháng Trung tâm tổ chức nhiều hội nghị giới thiệu việc làm trực tuyến nhằm giúp người lao động và doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu của cả 2 bên để tiến tới hợp tác làm ăn. Về lâu dài, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng xác định trong phát triển kinh tế quan điểm của tỉnh là “ly nông không ly hương”.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc khẳng định: “Hà Tĩnh có lợi thế là nguồn lao động dồi dào, người Hà Tĩnh chịu khó, cần cù, tuy vậy hiện nay số con em đi xuất khẩu lao động và làm việc ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh phía Nam rất lớn. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu việc làm để thu hút, kêu gọi con em Hà Tĩnh về làm việc tại địa phương, đồng thời Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thu hút các dự án đầu tư, mời gọi các tập đoàn về đầu tư trên địa bàn để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ngay trên chính quê hương, thực hiện phương châm “ly nông không ly hương”, từ đó người lao động có điều kiện chăm sóc con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc do không phải đi làm ăn xa”
Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: “Hàng tháng Trung tâm tổ chức nhiều cuộc GDVL trực truyến nhằm giúp người lao động và doanh nghiệp găp nhau. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đang có chủ trương thu hút thêm nhiều dự án, nhà máy trên địa bàn tỉnh là cơ hội lớn cho con em hồi hương có việc làm, sớm ổn định cuộc sống".
"Hiện nay, chính quyền các địa phương đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát lại, phân nhóm theo độ tuổi, chuyên môn nghề nghiệp cũng như tìm hiểu nguyện vọng của người lao động. Bên cạnh đó, huyện khảo sát, thống kê số doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, các ngành nghề cần tuyển, kết nối để giúp người lao động hồi hương và doanh đến được với nhau. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã gửi thông tin lao động hồi hương đến các sàn giao dịch việc làm, sàn tuyển dụng để tăng cường cơ hội sớm có việc làm cho người hồi hương, giúp họ sớm ổn định cuộc sống" - bà Nguyễn Thị Thanh Hương thông tin thêm.
Được biết, đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có gần 20.000 lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê. Việc làm, an sinh xã hội cho người hồi hương đang là bài toán khó, cần được từng bước tháo gỡ. Trong nhóm giải pháp đang được Hà Tĩnh triển khai thực hiện, giải pháp kêu gọi đầu tư, tạo việc làm mới đang được các cấp các ngành thực hiện quyết liệt.
Với kế hoạch trong năm 2021, Hà Tĩnh phấn đầu thu hút 150 dự án, với tổng mức đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết thêm được nhiều việc làm, như dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II. Hay như dự án sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến thủy sản chất lượng cao. Đây là dự án được triển khai ở các huyện ven biển Hà Tĩnh, có tổng mức đầu tư dự kiến 45 triệu USD.
Khi dự án được triển khai và đi vào hoạt động, sẽ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Đồng thời, phát triển thêm nhiều ngành nghề phụ trợ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.Đối với lĩnh vực công nghiệp, Hà Tĩnh cũng đang nỗ lực kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô… nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn nữa cho con em trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh kêu gọi đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng ban hành chính sách để người hồi hương sớm có việc làm, ổn định cuộc sống. Ngày 17/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch số 403 về việc thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 100.000 người, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 20.000 lao động. Trong đó, tập trung ưu tiên tạo việc làm mới cho đồng bào DTTS. Ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động hồi hương có nhu cầu làm việc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đầy đủ các chính sách cho công nhân, như: Chính sách về nhà ở, tiền lương, chế độ và điều kiện làm việc, điều kiện vui chơi, học tập cho con em người lao động… và các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm người lao động an tâm làm việc.
“Tỉnh Hà Tĩnh đã có kế hoạch đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện các công trình, dự án trọng điểm để người lao động trở về quê hương có việc làm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sử dụng lao động giải quyết việc làm cho người hồi hương. Vấn đề an sinh xã hội, việc làm cho người hồi hương đang là vấn đề lớn, được nhiều địa phương hết sức quan tâm. Với phương châm “không để người hồi hương ở lại phía sau”, mỗi địa phương một cách làm, một giải pháp để nỗ lực cùng nhau giải bài toán việc làm, an sinh xã hội cho người lao động” - ông Nguyễn Trí Lạc nhấn mạnh.
THU HƯƠNG
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ