Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho biết, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1 diễn ra cùng ngày, Thủ tướng đã khen ngợi việc các địa phương, bộ, ngành vì đã thực hiện khá triệt để Chỉ thị của Ban Bí thư và của Thủ tướng về việc không chúc tết lãnh đạo trong bộ máy hành chính. “Thủ tướng nói việc này giảm 70% so với năm ngoái. Có thể con số không chính xác tuyệt đối 100% mà chỉ ước tính. Trong đó, riêng lãnh đạo Chính phủ thì tuyệt đối không có địa phương nào về Hà Nội để chúc tết”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, Thủ tướng cũng nói rằng, đây không phải là vấn đề mới, nhiều năm trước đã đề ra nhưng làm chưa nghiêm, song năm nay có chuyển biến thật sự. Khoảng 30% còn lại làm chưa tốt, Chính phủ cố gắng để tết năm sau đạt 100%. Ông Dũng kể, sát tết, Bí thư tỉnh Bắc Ninh gọi điện cho ông muốn lên Hà Nội báo cáo Thủ tướng về việc giải quyết thủ tục cho Samsung mở rộng dự án giai đoạn 2, nếu không nhanh họ sẽ chọn nước khác. "Tuy nhiên tôi nói rằng, nếu anh về thì rất dễ bị hiểu lầm là lên chúc tết lãnh đạo Chính phủ. Anh cứ ở dưới đó, tôi sẽ báo cáo Thủ tướng ngay và thực tế là một ngày sau việc này được giải quyết. Quyết định này sẽ được công bố vài ngày tới trong dịp kỷ niệm ngày chia tách tỉnh Bắc Ninh", Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, ông ký công văn yêu cầu không chúc tết lãnh đạo Bộ. "Nhiều lãnh đạo báo gọi điện nói đến chúc tết song tất cả đều bị tôi từ chối", Bộ trưởng nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm của Chính phủ trước các ý kiến đề nghị gộp Tết dương lịch và tết cổ truyền, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay Chính phủ chưa có kế hoạch bàn về nội dung này do chưa có báo cáo, đề xuất nào từ các cơ quan quản lý lĩnh vực. “Tôi hiểu có ý kiến cá nhân nói chúng ta nghỉ tết nhiều, nhưng thực tế các ngày nghỉ đều đúng theo quy định của luật Lao động. Tôi nghĩ tết cổ truyền là nét đẹp, là truyền thống, đã đi vào tiềm thức nhân dân nên cần gìn giữ”, ông bày tỏ.
Liên quan đến một số hành vi không đẹp tại các lễ hội đầu năm, người phát ngôn Chính phủ cho biết, tại phiên họp hôm qua Chính phủ đã đề cập, mà nổi bật nhất là câu chuyện cướp lộc, chen lấn phản cảm tại đền Gióng (H.Sóc Sơn, Hà Nội). Theo ông Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đã nhắc nhở Bộ VH-TT&DL và lãnh đạo các địa phương tăng cường giám sát tổ chức lễ hội để giữ gìn văn hóa vùng miền, địa phương, tránh lặp lại tình trạng như Hội Gióng.
Trước thông tin tại một số địa phương xảy ra tình trạng đốt pháo, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành khẳng định nếu phát hiện được nơi nào thì công an xã, cảnh sát khu vực nơi đó phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, giám đốc công an tỉnh, thành phố cũng phải nắm bắt tốt hơn tình hình để tham mưu cho lãnh đạo địa phương biện pháp ngăn chặn, giải quyết.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông tin về vấn đề Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng. Theo ông Dũng, việc này là nhằm thực hiện theo kết luận của Ban Bí thư T.Ư Đảng để xử lý kỷ luật về mặt chính quyền tương ứng với hình thức kỷ luật về mặt Đảng của Ban Bí thư. Bộ Nội vụ, Bộ Công thương đã được Thủ tướng giao nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ về việc xử lý các chế độ như lương hưu với ông Vũ Huy Hoàng.
Thông tin về nội dung phiên họp Chính phủ tháng 1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng cho hay, trong ngày làm việc 3/2, Chính phủ đã tập trung kiểm điểm tình hình dịp Tết Nguyên đán 2017; thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2017. Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về dự án luật Bảo vệ và phát triển rừng; dự thảo Nghị định hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại; dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; điều chỉnh chương trình xây dựng luật năm 2017. |