Vừa qua, vụ một bé trai ở Kiên Giang bị giật cơ mặt mà người nhà cho là do dùng smart phone quá nhiều đã làm "dậy sóng" cộng đồng mạng. Nhiều bậc cha mẹ có thói quen dỗ con bằng điện thoại, máy tính bảng tỏ ra rất lo lắng. Cháu bé ở Kiên Giang được chẩn đoán bị Tic, một dạng rối loạn thần kinh vận động dẫn đến những cử động cơ mà trẻ không thể kiểm soát được, tạo nên những cơn máy giật ở mặt, mắt, bụng, vai… với nhiều hình thức khác nhau.
Khám bệnh tại khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Chiều 10-8, Bệnh viện Nhi Đồng 1 – nơi tiếp nhận điều trị cho bé trai ở Kiên Giang và nhiều bệnh nhân bị Tic khác đã tổ chức cuộc gặp với báo giới để lý giải về Tic. Bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, chuyên khoa thần kinh thuộc khoa Nhiễm – thần kinh của bệnh viện, cho biết: mỗi ngày, khoa vẫn tiếp nhận vài lượt khám cho các bé bị Tic. Đây là một chứng bệnh không di truyền, không có nguyên nhân hiển nhiên và không nguy hiểm, tuy nhiên có thể khiến trẻ gặp phải một số phiền phức, ví dụ có những trẻ đi học bị cô giáo mắng vì cho rằng trẻ "ngồi không yên".
"Ca gần nhất là một bé gái 10 tuổi, bị giật cơ mắt. Cháu này bị cận thị bẩm sinh. Trong 3 tháng nay, mắt cháu cứ bị nhíu, giật giật mà mọi biện pháp điều trị nhãn khoa đều vô hiệu nên chuyển sang điều trị thần kinh. Một ca điển hình khác là một cháu bé được đưa đi khám vì cha mẹ bị cô giáo mời lên, than phiền rằng bé ngồi không yên, cứ giật vai, thậm chí càng bị mắng bé càng giật nhiều! Một bé khác thì lại bị giật giật ở cơ bụng, kể cả khi ngủ" – Bác sĩ Vinh kể.
Việc khởi phát Tic có liên quan nhiều đến sự căng thẳng. Bởi thế, như trường hợp kể trên, bé bị mắng khi giật vai có xu hướng giật nhiều hơn vì bị căng thẳng. Những thời điểm thi cử, các em bé bị Tic cũng được người nhà đưa đến nhiều hơn. Đặc biệt, khoảng thời gian đầu hè, số ca Tic tăng lên thêm 50% so với các thời điểm khác. Điều đó có thể do các bé thức khuya, xem ti vi, chơi smart phone quá nhiều.
Như đã nói ở trên, Tic không có nguyên nhân hiển nhiên, tức chiếc smart phone không phải là nguyên nhân trực tiếp. Nhưng nó là một "chất xúc tác". Khi chơi game trên màn hình nhỏ xíu, mắt bé phải điều tiết quá độ, nhãn cầu đong đưa liên tục, cơ mắt, cơ mặt, cổ, vai… đều mỏi mệt. Đó là một trong những căng thẳng có thể dẫn đến Tic. Với ti vi, ngoài sự điều tiết, mỏi các cơ khi xem quá lâu, tần số của phim hoạt hình có thể cộng hưởng với những vấn đề sẵn có trong não bộ, dẫn đến khởi phát hoặc tái phát bệnh.
Bệnh nhi bị Tic được điều trị triệu chứng bằng thuốc, các biện pháp tâm lý, thay đổi lối sống… Tuy nguyên nhân "smart phone" mà các bậc phụ huynh lầm tưởng và sợ hãi đã được chứng minh không phải nguyên nhân trực tiếp của Tic, nhưng việc lạm dụng thiết bị này có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sự phát triển tâm lý và thể chất của bé. Vì vậy, đừng để chiếc smart phone "trông con" thay bạn, đó luôn là lời khuyên hàng đầu của các chuyên gia. Riêng với các bé bị Tic hoặc nghi ngờ bị Tic, hãy thông cảm và đưa bé đi điều trị, đừng la mắng bé vì những cơn máy giật vô thức.
Thông tin cộng đồng đăng tải trên website của NHS (National Heath Service – Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh quốc) định nghĩa các dạng rối loạn Tic như những chuyển động cơ nhanh và lặp đi lặp lại đột ngột và khó kiểm soát. Tic có thể bao gồm nhiều hình thức: giật và nhăn mũi, co giật cơ mặt, bấm vào ngón tay, chạm vào vật hay người khác, lặp lại một từ, một âm thanh... một cách không tự chủ. Các cơn bệnh thường xảy ra trong thời gian ngắn hạn, có thể dần biến mất hòan toàn sau tuổi dậy thì. Một trong những dạng nặng của bệnh là hội chứng Tourette, được định nghĩa khi cơn Tic kéo dài liên tục đến hơn một năm và có một số biểu hiện đặc trưng khác. |