Ngày 17/8/2020, Hội đồng Người Tiêu dùng Hồng Kông (Trung Quốc) công bố kết quả nghiên cứu về an toàn và chất lượng dinh dưỡng trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức trên Trang thông tin điện tử. Kết quả cho biết đã phát hiện 15 mẫu sản phẩm dinh dưỡng công thức có chứa 3-Monochloropropane-1,2-diol (3-MCPD) và 9 mẫu có chứa glycidyl este (GE).
Trước tình hình này, Cục An toàn Thực phẩm đã liên lạc với đầu mối Hệ thống các Cơ quan An toàn Thực phẩm Quốc tế (INFOSAN) của Hồng Kông. Ngày 21/8/2020, trên trang web chính thức của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã chia sẻ thông tin chính thức về vấn đề này.
Thông báo nêu rõ theo lượng ăn vào hằng tuần tạm thời chịu đựng được (PTWI) do Ủy ban Hỗn hợp các Chuyên gia thuộc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về phụ gia thực phẩm (JECFA) xây dựng đối với 3-MCPD, lượng 3-MCPD được phát hiện trong nghiên cứu của Hội đồng Người Tiêu dùng Hồng Kông đều thấp hơn PTWI khi sử dụng sản phẩm theo hướng dẫn trên nhãn. Đồng thời, tất cả GE được phát hiện trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức trong báo cáo của Hội đồng Người Tiêu dùng Hồng Kông đều đạt tiêu chuẩn của EU.
“Đầu Ngô, mình Sở”
Sự việc nói trên xảy ra tại Hồng Kông đã cách đây 4 tháng. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 1 tuần trở lại đây thông tin này được đăng lại trên các website ẩn danh, không rõ nguồn gốc. Ngoài việc nội dung đã bị sửa đổi lại thành Việt Nam, nguy hiểm hơn là các bài viết này sử dụng hình ảnh các sản phẩm sữa bột của một số thương hiệu trong và ngoài nước đang lưu hành trên thị trường.
Thực tế, đây là hình ảnh được lấy từ một bài đăng trên một website khác từ năm 2016 nói về các loại sữa phổ biến trên thị trường có thể dùng cho trẻ thiếu men G6PD và không có liên quan đến nội dung sự việc xảy ra tại Hồng Kông.
Như vậy, các thông tin không chính xác kết hợp với các hình ảnh các sản phẩm minh họa sai lệch trên các website ẩn danh này đã tạo ra sự hoang mang lo lắng đối với các bậc cha mẹ.
“Đây có thể coi là một loại thông tin giả mạo, xuyên tạc”, ông Nguyễn Văn Nam, chuyên gia bảo mật nhận định. “Thông tin sai lệch có thể được lan truyền trên mạng với nhiều lý do. Trong một số trường hợp, các thông tin này được chia sẻ một cách ngẫu nhiên bởi những người không biết rõ đó là các thông tin sai sự thật. Trong một số trường hợp khác, thông tin được chủ ý tạo ra với mục đích xấu nhằm gây ảnh hưởng tới một thương hiệu, một con người hoặc thậm chí là cả một quốc gia”.
Đừng quan tâm bằng cách chia sẻ thông tin “sai lệch”
Với sự phát triển của công nghệ cũng như sự phụ thuộc ngày càng tăng của con người vào các mạng xã hội, chúng ta ngày càng trở nên dễ tổn thương bởi các thông tin sai lệch và thông tin xuyên tạc.
Theo ông Nam, hiện nay trên Internet có hàng trăm website không rõ nguồn gốc thường xuyên đăng tải các nhiều thông tin trong đó có cả thông tin nửa đúng nửa sai, thông tin xuyên tạc hoặc gây nhầm lẫn. Rất khó có thể xác định được người sở hữu, điều hành các website này vì chúng được giấu danh tính và đặt tại các máy chủ tại nước ngoài.
“Các thông tin sai lệch thường được phát tán và khuếch đại thông qua các nhóm kín, người dùng mạng xã hội và các cá nhân có ảnh hưởng”, ông Nam cho biết. “Đặc điểm của các bài viết trên website này thường có những tiêu đề giật gân đánh vào sự tò mò, lo lắng hoặc tạo ra nỗi sợ hãi cho người đọc”
Do đó, đừng nên thể hiện sự quan tâm đến người khác bằng cách chia sẻ các bài viết hoặc thông tin sai lệch trên website không rõ nguồn gốc. Chúng ta hãy là người sử dụng mạng xã hội thông thái.