Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thực phẩm bẩn - Khối u cần được cắt bỏ

Đó là nhấn mạnh của ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy trách nhiệm thực thi trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi

Theo số liệu thống kê trong năm 2015, cả nước đã phát hiện 77.946 cơ sở chế biến, kinh doanh vi phạm quy định an toàn thực phẩm; 32.060 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản vi phạm sử dụng chất cấm, hóa chất kháng sinh; tiêu hủy hơn 100 tấn mỡ động vật, thịt, hải sản, cam, rau… vi phạm an toàn thực phẩm; cả nước có 4.965 người bị ngộ độc và 23 người tử vong.Ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho hay, nhằm siết chặt quản lý an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản, phân loại và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời thực hiện giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tập trung vào giám sát các rủi ro cao, nhiều bức xúc như thịt, rau, thủy sản nuôi. Song kết quả phân tích trong 6 tháng đầu năm 2016 vẫn có 4,2% mẫu rau, 10,93% mẫu thịt; 1,61% mẫu thủy sản nuôi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Cơ quan chức năng liên tiếp xử phạt các vụ vi phạm về ATVSTP.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nông sản, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn thực phẩm hiện nay là do trong thời gian dài sản xuất nông nghiệp tập trung nhiều vào mục tiêu về số lượng, năng suất, mà ít quan tâm chất lượng. “Chúng ta đã đưa quá nhiều thành quả của khoa học vào sản xuất, nhưng lại không biết chọn lọc các thành quả đó. Các loại thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật có thể coi là thành quả của khoa học, nhưng đã gây ra tình trạng mất an toàn thực phẩm vì nông dân không tuân thủ được đúng quy trình sử dụng trong canh tác,” ông Hùng nói.

Mặt khác, theo ông Hùng, hiện 3 Bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề an toàn thực phẩm, bao gồm: Bộ NN&PTNT quản lý trên đồng ruộng; Bộ Công Thương quản lý ở chợ; Bộ Y tế quản lý trên bàn ăn, tuy nhiên, không Bộ nào quản lý cuối cùng để chịu trách nhiệm cao nhất về vấn đề này.

Thực phẩm không an toàn đang dẫn đến nhiều hệ lụy trầm trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, sinh kế, đời sốngsức khỏe của người dân, thậm chí còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi Việt Nam. Ông Mạc Quốc Anh cho rằng: “Thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không được cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, chúng ta hãy hành động ngay hôm nay đừng để đến lúc vô phương cứu chữa.”

Chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc

Theo ông Quốc Anh, hiện thực phẩm được tiêu thụ chủ yếu thông qua hệ thống phân phối truyền thống (chợ) và hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Mạng lưới chợ được phân bố tới cấp xã, phường.

“Do đó, để đưa thực phẩm sạch vào các chợ cần bổ sung thêm các trạm kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố, kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và an toàn vệ sinh,” ông Quốc Anh đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Quốc Anh cũng cho rằng cần phát triển quy hoạch các vùng trồng rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tập trung, có quy mô đủ lớn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đồng thời bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát quá trình nuôi trồng, chế biến từ tất cả các khâu nhằm đảm bảo đầu ra của các ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… để tăng tỷ trọng thực phẩm sạch trên thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ngoài việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm như Bộ Y tế đang yêu cầu đối với các địa phương hiện nay là phải thông tin kịp thời kết quả xử lý vi phạm của các cơ sở vi phạm tới người dân, đồng thời niêm yết công khai tên các cơ sở vi phạm để người dân tẩy chay, không mua thực phẩm ở những nơi như vậy.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, hiện cả nước có khoảng 9 triệu hộ và 600.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm. Nếu tính như vậy, cứ 9 người dân có một người kinh doanh thực phẩm, tỷ lệ như vậy là khá cao.“Vậy để cho 9 triệu hộ và 600.000 doanh nghiệp đảm bảo về vệ sinh khi kinh doanh thực phẩm là vô cũng khó, đòi hỏi có sự tham gia mạnh mẽ của tất cả các tổ chức chính trị xã hội và của toàn dân. Trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, của chính quyền địa phương. Chúng ta hay đề cập trách nhiệm các bộ, ngành mà quên trách nhiệm của UBND các cấp”.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, trong Chỉ thị 13 của Chính phủ cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu UBND các cấp về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc thì mới góp phần hạn chế được tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang lan tràn hiện nay.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, không thể kéo dài sự đối đầu giữa người trực tiếp sản xuất thực phẩm nhưng lại không tuân thủ an toàn thực phẩm với chính quyền trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Lâu nay việc người dân trực tiếp nuôi trồng và sản xuất thực phẩm nhưng không thực sự tuân thủ an toàn thực phẩm đã không còn là chuyện hiếm và điều này nếu tiếp tục sẽ trở thành những người đối đầu với hệ thống chính quyền cũng như Mặt trận. “Người dân phải là người đồng hành chứ không phải là người đối đầu trong cuộc chiến đảm bảo an toàn thực phẩm. Vấn đề là người trong cuộc phải thay đổi nhận thức”- ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.