Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thực phẩm bẩn làm gia tăng bệnh ung thư

Bệnh ung thư đang trở thành một vấn đề gây lo ngại lớn ở Việt Nam, nhất là trong thời gian gần đây khi giới truyền thông liên tục đưa tin về những người nổi tiếng mắc bệnh. Cùng với đó là liên tục những thông tin về thực phẩm bẩn và nhiễm hóa chất đang gây ra căn bệnh chết người này. Nguyên do cũng chính từ yếu tố con người, vì ham lợi mà làm ăn dối trá...

 

Thực phẩm bẩn hiện diện trong từng bữa ăn

Tại một cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ NN&PTNT vừa diễn ra dịp đầu tháng 11, có rất nhiều vấn đề về vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp được đề cập, như gần 97% lò mổ bẩn, trên 16% cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật lộn xộn... Số liệu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông thủy sản  9 tháng năm 2015 cũng cho thấy tỉ lệ vi phạm đáng báo động. Cụ thể, 16% mẫu thịt phát hiện có vi khuẩn Salmonella; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức; 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng/vượt ngưỡng cho phép. Mới đây, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh xét nghiệm ngẫu nhiên 159 mẫu thịt heo, phát hiện 37 mẫu tồn dư kháng sinh Tetracycline vượt mức; 26 mẫu tồn dư kháng sinh Sulfadimidin và 3 mẫu dương tính với chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi là Salbutamol. Ngoài ra, đơn vị này còn phát hiện gần 28% mẫu thịt gà tồn dư kháng sinh Enrofloxacin và Flofenicol là những chất cấm trong chăn nuôi...

Khu vực bán thực phẩm tại chợ Thành Công (Hà Nội).            Ảnh: Mạnh Dũng

Thực phẩm bẩn như thịt nhiễm độc, rau nhiễm thuốc trừ sâu, cá bị tồn dư kháng sinh... đang hiện diện trong bữa ăn hằng ngày của người dân, trong khi các cơ quan chức năng chưa có cách ngăn chặn hữu hiệu. Chưa khi nào các cụm từ “rau sạch”, “rau an toàn” “thực phẩm sạch”, “đặc sản quê”... lại được người dân quan tâm như hiện nay. Nhiều người dân sống ở thành thị phải tự trồng rau trước cửa nhà, trên tầng thượng, hoặc tự chế biến thức ăn cho gia đình do mất niềm tin với thực phẩm ở chợ, thậm chí ở cả siêu thị.

Người ta tìm kiếm những thông tin về thực phẩm sạch, nhưng số thực phẩm sạch ít ỏi chẳng đủ so với nhu cầu tiêu dùng khổng lồ, người tiêu dùng đành phải đặt niềm tin cho những người bán quen biết, thậm chí quen trên mạng, nhưng cũng không ai dám xác nhận thực phẩm đó có phải là thực phẩm sạch? Người dân lo rau bẩn, lo thịt cá bẩn, nhưng không cơ quan chức năng nào công bố vùng nào trồng rau sạch, mua thịt cá sạch ở đâu. Thế nên, người lo vẫn cứ lo, thực phẩm bẩn vẫn cứ bẩn, việc mua bán hằng ngày vẫn phải diễn ra vì không ai có thể... nhịn ăn. Và tại mỗi hội thảo khoa học, những con số về ung thư, về bệnh tật lại được công bố.

Mỗi năm thêm khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư

Tại cuộc hội thảo gần đây về bệnh không lây ở Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K Bùi Diệu xác nhận, ung thư đường tiêu hóa tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây và có liên quan đến thực phẩm. Tính chung các loại ung thư, Việt Nam là một trong số quốc gia có tỉ lệ ung thư cao nhất thế giới.

Theo thống kê của Dự án phòng, chống ung thư Quốc gia, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 người mắc mới. Theo dự đoán của các chuyên gia, con số này sẽ không dừng lại mà còn gia tăng trong những năm tiếp theo. Đáng chú ý, theo một công bố hồi tháng 4/2014 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong số 172 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, Việt Nam đứng ở vị trí 78 với tỷ lệ chết vì ung thư là 110 ca/100.000 người. Ở trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau các nước Lào (129/100.000) và Myanmar (118/100.000) về tỉ lệ tử vong do căn bệnh này.

Theo các chuyên gia đầu ngành về ung thư, đa số các bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư thường tự mình đặt câu hỏi: “Tôi đã làm gì sai?” hay “Tại sao lại là tôi?”. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng họ bị trừng phạt bởi lý do từ... từ “kiếp trước” hoặc trong quá khứ... Tuy nhiên,  “ung thư không phải là sự trừng phạt cho những điều bạn đã làm hay không làm trong quá khứ, mà hầu hết là do những tác nhân từ môi trường bạn đang sống”- GS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội ung thư Việt Nam nhấn mạnh.

Chiều 17/11, an toàn vệ sinh thực phẩm và trách nhiệm quản lý cũng là vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể nỗ lực phối hợp và đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt được như mong muốn của Chính phủ và từng bộ. Những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này không phải do phân công, phân nhiệm còn chồng chéo, bởi  Luật An toàn thực phẩm quy định rất rõ trách nhiệm của các Bộ: NN&PTNT, Công Thương và Y tế, đồng thời Nghị định của Chính phủ cũng quy định cụ thể theo tinh thần của Luật để giải quyết triệt để vấn đề.

Hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm đã đầy đủ, nếu thực hiện tốt sẽ giải quyết được vấn đề một cách cơ bản. Việc tổ chức thực hiện không chỉ là của từng ngành, mà cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Phó Thủ tướng khẳng định: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ cùng Chính phủ soạn thảo một chương trình phối hợp, cùng các đoàn thể để làm tốt việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu làm được việc này sẽ tạo được chuyển biến mạnh, bởi việc sản xuất kinh doanh diễn ra ở từng hộ gia đình, ai sử dụng chất cấm, sử dụng sai thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ở cơ sở đều biết, đồng thời làm tốt việc này sẽ khắc phục được câu chuyện thanh tra, kiểm tra.