Giá rau tăng gấp đôi, gấp 3 lần
Theo khảo sát của PV Tiền Phong ngày 2/2, tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Hôm (Hai Bà Trưng), chợ Yên Phụ (quận Tây Hồ), chợ Cầu Giấy, chợ Nghĩa Đô… giá thực phẩm tăng chóng mặt khiến người tiêu dùng ngỡ ngàng. Tại chợ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội), giá cà chua tăng lên 35.000 đồng/kg, tăng gần 3 lần so với trước đó 1 tuần. Giá rau cải bắp tăng từ 8.000 đồng lên 19.000 đồng/kg. Giá rau muống từ 5.000 đồng tăng lên 13.000 đồng/bó. Rau cải cúc 6.000 đồng/bó; su hào lên 10.000 đồng/củ. Cải ngọt tăng lên 30.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương bán rau chợ Cầu Giấy cho biết: “Tôi ra chợ Long Biên lấy hàng mà giật mình, bởi giá tăng gần gấp đôi ngày thường, nguồn cung cấp rau cũng giảm. Tôi không dám nhập nhiều hàng, rau đắt, người dân mua ít lắm”.
Theo chị Hạnh, do đợt rét kéo dài, rau không phát triển, nhiều loại chịu lạnh kém như rau muống, mùng tơi… chết gần hết. Rau chủ yếu do các gia đình trồng trong nhà kính, phủ túi ni lông nên giá cao hơn thường ngày. Nhiều tiểu thương sau tết ông Công, ông Táo nghỉ bán hàng để sắm tết, bù lại một năm bận rộn, khiến nguồn cung rau giảm, đại lý rau tha hồ hét giá.
Tại các chợ dân sinh, dù đã thành thông lệ cứ gần tết rau sẽ tăng giá nhưng chưa năm nào giá cao như năm nay khiến người tiêu dùng ngỡ ngàng. Theo chị Lê Thị Thùy (Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội), mỗi ngày gia đình chị mua khoảng 40.000 đồng rau xanh. Giá tăng cao, đành giảm bớt khoản khác để bù tiền mua rau. Các quán phở, bún, để tiết kiệm chi phí, rau thơm được tiết kiệm đến mức tối đa. “Giá bán mỗi bát phở không đổi nhưng rau thơm đắt quá, có khách đến quán, tôi chỉ mang ra một ít. Khách gọi thêm rau nhưng không đáp ứng được vì giá cao quá”, chị Thu Hà, chủ quán phở phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa) nói.
Gia cầm, đồ khô tăng giá theo ngày
Những năm gần đây, người dân có xu hướng mua gà thịt trước tết khoảng 1 tuần, tự nuôi nhốt đề chờ dư lượng thực phẩm tăng trọng còn lại trong gà tiêu hết. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, tiểu thương “hét” giá bán gà theo từng ngày. Tại chợ Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), giá gà ta là 150.000 đồng/kg, tăng 20.000 -30.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp lên 90.000 đồng/kg; vịt 85.000 đồng/kg…
Chị Nguyễn Nhung, chuyên bán gà thả vườn tại chợ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cho biết, chủ yếu bán cho khách quen nhưng lượng đặt hàng tăng lên đột biến. Để giữ khách, gia đình chị phải tìm mua ở quê mới đủ. “Giá gà bán tại chuồng tăng lên nhưng tôi không dám tăng giá nhiều để giữ uy tín và mối quen. Gà bán được nhiều nhưng không lời lãi bao nhiêu”, chị Nhung nói.
Các loại thịt lợn, giò chả cũng tăng giá từng ngày với mức tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Mức tăng giá tùy thuộc vào lượng khách mua hàng. “Càng đông khách mua, giá càng tăng thêm. Em muốn có hàng ngon, giá phải chăng, thì nên đặt trước. Càng về sát tết, giá cả thất thường, chất lượng không đảm bảo, vì người bán có tâm lý bán cho khách vãng lai”, chị Thủy, bán giò chả tại chợ Yên Phụ (quận Tây Hồ) tư vấn.
Nắm bắt nhu cầu mua dự trữ các mặt hàng khô như mộc nhĩ, nấm hương, miến… nhiều tiểu thương chợ đầu mối ở Hà Nội như Long Biên, Đồng Xuân, nói thách giá cao. “Lượng khách buôn, khách quen lấy hàng trước tết cả tháng. Thời điểm này chủ yếu là khách vãng lai, cả năm đến mua 1 lần, tôi bán giá cao bằng với giá bán ở các chợ. Năm nay, các mặt hàng chủ yếu nhập từ Trung Quốc, đóng trong bao tải rồi về chia nhỏ bán cho khách như mọi năm”, chị Lan, tiểu thương chợ Đồng Xuân cho biết.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán, người dân có truyền thống mua sắm, tích trữ hàng hóa khiến nhu cầu tăng lên. Nhiều người bán hàng (phổ biến ở chợ dân sinh) ép giá, đội giá tăng cao so với ngày thường. Để mua được hàng đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, người dân nên chọn các siêu thị, cửa hàng uy tín, điểm bán hàng bình ổn giá.