Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thực thi chuẩn nghề du lịch ASEAN: Thách thức lao động du lịch

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức công bố Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch (MRA-TP). Theo Thỏa thuận, một cơ chế thống nhất về tiêu chuẩn nghề được xác lập sẽ giúp cho người lao động (LĐ) trong ngành du lịch của các nước trong khu vực có thể được công nhận, và làm việc tại bất kỳ nước nào trong ASEAN. LĐ du lịch của Việt Nam sẽ được hưởng lợi ích từ MRA-TP, nhưng với chất lượng nhân lực hiện nay, LĐ ngành du lịch sẽ gặp phải nhiều thách thức không nhỏ.

Chưa sẵn sàng cho sự cạnh tranh

Để tạo điều kiện cho LĐ lành nghề di chuyển trong khu vực, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại, các nước ASEAN đã ký kết 8 Thoả thuận công nhận lẫn nhau (MRAs - Mutual Recognition Agreement), theo đó cho phép chứng chỉ của LĐ lành nghề được cấp bởi các cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia, sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực. Trong lĩnh vực du lịch là Thỏa thuận MRA-TP.

Tổng cục Du lịch cho biết, MRA-TP vừa công bố bao gồm 32 chức danh nghề được chuẩn hóa, đi cùng với 52 loại văn bằng, chứng chỉ. Thỏa thuận cũng cung cấp các bộ công cụ chuẩn phục vụ cho đào tạo và thẩm định năng lực của LĐ du lịch. Việc đưa ra chuẩn nghề du lịch chung được đánh giá là một bước tiến mới của ASEAN trong nỗ lực hình thành một thị trường du lịch thống nhất và có chất lượng cho cả khu vực. Cũng trong dịp này, ASEAN đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của Hệ thống đăng ký nghề du lịch ASEAN. Thông qua cổng thông tin này, LĐ có chứng chỉ nghề du lịch đăng ký và có thể tìm được việc làm phù hợp tại ASEAN. Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đối với LĐ ngành du lịch ASEAN, Thỏa thuận này đang mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại thị trường các nước trong khu vực. Theo đó, ngành du lịch tại Việt Nam sẽ phải chia sẻ công việc cho các LĐ đến từ các nước ASEAN.

Lao động du lịch Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều thách thức khi thực hiện MRA -TP.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam dường như chưa sẵn sàng cho sự cạnh tranh LĐ sắp diễn ra từ Thỏa thuận này. Nhân lực ngành du lịch Việt Nam đang thiếu những thông tin về cạnh tranh việc làm ngay trong nước, và cũng thiếu thông tin về những yêu cầu, kỹ năng cần thiết để có thể hành nghề du lịch tại các nước ASEAN.

Chưa hết, nhân lực ngành du lịch Việt cũng đang bị đánh giá là một trong những khâu yếu nhất. Không chỉ thiếu hụt nhân sự cao cấp (quản lý khách sạn, nhà hàng cao cấp, lữ hành, điều hành tour...), mà ngay lực lượng LĐ trực tiếp như bán hàng, phục vụ bàn ở quán ăn, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên buồng phòng... vẫn chưa đạt chuẩn từ thái độ phục vụ, đến kỹ năng nghiệp vụ du lịch.

Bên cạnh đó, LĐ Việt Nam cần được đào tạo thêm nhiều kỹ năng về ngành du lịch, nâng cao kiến thức, hiểu biết về phong tục tập quán các nước trong khối ASEAN, đặc biệt nâng cao trình độ ngoại ngữ để sẵn sàng hòa nhập.

Nâng cao nhân lực tranh thủ các lợi ích từ MRA-TP

Theo ông Hà Văn Siêu, ngành du lịch đang có khoảng 500.000 việc làm trực tiếp và 1 triệu việc làm gián tiếp trong năm 2014, và con số này đạt 650.000 việc làm trực tiếp và 2 triệu việc làm gián tiếp trong năm 2015. Mỗi năm Việt Nam cần thêm 40.000 LĐ, trong khi số lượng sinh viên tốt nghiệp trong ngành công nghiệp du lịch chỉ là 15.000 sinh viên/năm. Lực lượng LĐ làm quản lý cũng dự kiến tăng 25%. Lực lượng LĐ du lịch qua đào tạo và đạt chuẩn nghề thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế.

Phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua việc triển khai MRA-TP là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong hội nhập du lịch nói riêng và AEC nói chung, bởi yếu tố con người là thành phần quan trọng cấu thành nên sản phẩm du lịch cũng như có vai trò quyết định trong việc phát triển một cộng đồng. “Việc triển khai MRA-TP tác động tới tất cả các đối tượng liên quan trong ngành du lịch, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch và đặc biệt là người LĐ trực tiếp hay gián tiếp trong ngành du lịch”, Tổng Giám đốc Cty Du lịch Saigon Tourist Vũ Hùng Việt nói.

Dưới tác động của MRA-TP, Việt Nam sẽ chứng kiến một thị trường LĐ đầy biến động và sôi động nhờ vào cơ chế tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển LĐ du lịch có tay nghề giữa các nước trong khu vực ASEAN. Với việc triển khai MRA-TP, du lịch Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong khối ASEAN nói chung sẽ có thêm nhiều cơ hội tuyển LĐ tay nghề cao.

Điều này đồng nghĩa việc tuyển nhân sự giỏi sẽ đi kèm với mức lương phải trả không hề nhỏ, và doanh nghiệp du lịch Việt sẽ đứng trước nguy cơ “chảy máu” nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Người LĐ bên cạnh cơ hội có mức lương tốt hơn cũng phải cạnh tranh vị trí việc làm khốc liệt hơn từ lực lượng LĐ trên thị trường nội khối. “Để tranh thủ được lợi ích từ MRA-TP đòi hỏi chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về du lịch và người LĐ thông qua việc tăng cường các hoạt động quản lý phát triển nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo, tự đào tạo, củng cố nội lực, tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch”, ông Hùng Việt cho biết.

Để tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức, quá trình hội nhập AEC cũng cần đi đôi với việc phát huy nội lực, tăng cường sức cạnh tranh quốc gia. Giải pháp quan trọng nhất là xây dựng năng lực dài hạn của doanh nghiệp, người LĐ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn diện.

Du lịch là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm ở ASEAN. Theo số liệu thống kê năm 2014, du lịch đã tạo ra 29 triệu việc làm, chiếm 9,7% tổng số việc làm tại ASEAN. Mục tiêu đến năm 2025, du lịch sẽ  tạo việc làm cho 35 triệu người, chiếm 11% tổng số việc làm của khối.