Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thực trạng dinh dưỡng của người Việt: Thách thức và khuyến nghị

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Bắc (Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) xoay quanh vấn đề này. 

Thưa ông, ông có thể cho biết về những thách thức hiện nay trong lĩnh vực dinh dưỡng của người dân Việt Nam? 

Ông Trương Đình Bắc: Thời gian qua, tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm liên tục và bền vững tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 31,9% năm 2001 xuống còn 13,8% vào năm 2016.
 
Tuy nhiên Việt Nam cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức như tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi hiện vẫn còn ở mức cao (21,6% năm 2016) và sự khác biệt rõ rệt ở giữa các vùng miền, nhóm dân tộc. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%; tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao 69,4%. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn tới phát triển chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam. 
 
Thể lực và tầm vóc của người Việt Nam còn hạn chế. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3cm, hiện đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Trong số các nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt Nam còn hạn chế có hơn 50% là vai trò của bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực
 
Đặc biệt, hiện nay, tỷ lệ thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng cả ở trẻ em và người trưởng thành, nhất là ở khu vực đô thị. Năm 2015, tỉ lệ thừa cần béo phì ở trẻ em trên toàn quốc là 5,3%, người lớn là 15,6%. Đây chính là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó, dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động, dinh dưỡng cho người bệnh, người cao tuổi… chưa được quan tâm đúng mức.


Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế).

Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam có vai trò như thế nào trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam, thưa ông?
 
Ông Trương Đình Bắc: Các nhà khoa học đã nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và cẩn thận để đưa ra được bảng khuyến nghị này, bao gồm các nghiên cứu và điều tra về nhân trắc học, khẩu phần ăn của người Việt để xây dựng các chỉ số phù hợp. Đặc biệt là các giới hạn tối đa của các chất dinh dưỡng mà không gây nguy hại cho cơ thể. 


Tỷ lệ thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng. Ảnh minh họa. 
 
Thứ nhất, với người dân, tùy theo nhóm tuổi, giới tính, tính chất công việc và tình trạng sinh bệnh lý của cơ thể để tham khảo các khuyến nghị, nhằm có có độ ăn cân bằng và phù hợp. 
 
Thứ hai, với cơ quan quản lý nhà nước, bảng khuyến nghị này làm cơ sở khoa học xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chiến lược, chính sách quốc gia về vấn đề dinh dưỡng phù hợp với từng vùng miền, đảm bảo an toàn an ninh lương thực và nâng cao sức khỏe nhân dân. 
 
Thứ ba, với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, trên cơ sở khuyến nghị này, áp dụng trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đây cũng là cơ sở để công bố các thông tin về dinh dưỡng trong sản phẩm (ghi nhãn dinh dưỡng) cho người tiêu dùng dễ nhận biết để lựa chọn. Một trong những thông tin quan trọng cần phải được ghi trên nhãn của các thực phẩm giúp người tiêu dùng có những lựa chọn tốt và phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình, đó là tổng năng lượng, đạm, béo, tinh bột và muối, đường. 
 
Khi các khuyến nghị về dinh dưỡng cho người Việt Nam đến được với rộng rãi người dân, sẽ làm thay đổi những thói quen về lựa chọn và chế biến thực phẩm theo hướng có lợi cho sức khỏe bản thân và gia đình. Các doanh nghiệp cũng sẽ chủ động hơn trong việc công bố ghi nhãn dinh dưỡng để giúp người dân nhận biết và lựa chọn dễ dàng các sản phẩm phù hợp. 

Cần tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen về lựa chọn và chế biến thực phẩm có lợi có sức khỏe. Ảnh minh họa. 
 
Hiện nay, nhãn dinh dưỡng trên bao bì đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, còn tại Việt Nam, các sản phẩm chế biến sẵn đã áp dụng chưa, thưa ông?
 
Ông Trương Đình Bắc: Việt Nam chưa có quy định bắt buộc về ghi nhãn dinh dưỡng trên sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn và bao gói sẵn. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) sẽ có các chương trình điều tra, đánh giá về những sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn tại Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu, ban hành chính sách, quy định phù hợp về lĩnh vực ghi nhãn dinh dưỡng, cũng như vận động sự tham gia của các nhà sản xuất thực phẩm áp dụng. 
 
Cùng với xây dựng chính sách, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông đến người tiêu dùng cũng như vận động các nhà sản xuất cùng tham gia. 
Trân trọng cảm ơn ông!
 
Châu Anh (thực hiện)
 

Châu Anh (thực hiện)/GĐTE