Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Pháp luật

Thực trạng kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng

Ngày 30/3/2023, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Tạp chí Thanh tra và Thanh tra tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức hội thảo khoa học "Thực trạng kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay".

Đây là đề tại khoa học độc lập cấp Quốc gia do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra là đơn vị chủ trì và Tiến sĩ Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng làm chủ nhiệm Đề tài.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra chia sẻ: Hội thảo với mục đích thu thập, chia sẻ thông tin, quan điểm, đánh giá về thực trạng kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống, tham nhũng (PCTN), trực tiếp phục vụ cho việc nghiên cứu Đề tài.

Hội thảo là dịp góp phần thu hút sự quan tâm, sự chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng các nhà khoa học, của các cơ quan chức năng, cán bộ thực tiễn và người dân trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam.

Hội thảo sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học và những người làm công tác thực tiễn gặp gỡ, trao đổi, thảo luận dân chủ, sôi nổi và trách nhiệm, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn có liên quan đến kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam hiện nay. 

Theo ông Đào Trung Kiên, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quy định tại Điều 3: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Như vậy, lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước được ghi nhận chính thức trong một văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất ở nước ta. Quy định này là sự bổ sung và hoàn thiện nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam; là cơ sở cho việc tiếp tục tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng PCTN giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. 

Ông Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra phát biểu tại hội thảo

Ông Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra phát biểu tại hội thảo

Để hiện thực hóa quan điểm này, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Nhà nước ta phải quan tâm đến việc “hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, được kiểm soát hiệu quả”. Trọng tâm là “hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN, tiêu cực là việc sử dụng cơ chế, thiết chế, phương thức, biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực".

Bài phát biểu Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 đã nhấn mạnh, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là một trong những “sản phẩm” của “sự tha hóa” quyền lực, không có tha hóa quyền lực thì không có tham nhũng; cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn, “phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”. Theo đó, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn phải được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực. Phải hoàn thiện cơ chế để kiểm soát quyền lực trên tất cả lĩnh vực, trước hết là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cao.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN, tiêu cực phải phù hợp với đặc điểm thể chế chính trị của nước ta, tuân thủ đúng các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động của Đảng, Nhà nước; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để kiểm soát quyền lực; tiến hành kiểm soát bên trong và kiểm soát từ bên ngoài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức vụ, quyền hạn.

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng lớn về tiếp tục xây dựng Nhà nước Pháp quyền (NNPQ) XHCN, việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng là sứ mệnh lịch sử khách quan của hệ thống chính trị và người dân. Theo đó, các quan điểm lớn của Đảng về hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực theo yêu cầu xây dựng NNPQ XHCN trong giai đoạn mới đòi hỏi các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần phải có sự quan tâm nghiên cứu thấu đáo, toàn diện về mối liên hệ giữa kiểm soát quyền lực và PCTN làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp tổng thể, chiến lược về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.