Trên 80.000 người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Mở cửa thị trường lao động đã và đang tạo điều kiện cho việc di chuyển lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đồng thời cũng tạo điều kiện cho lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam ngày một gia tăng. Vấn đề được đặt ra là xây dựng một khung pháp luật thích hợp nhằm quản lý và sử dụng lao động nước ngoài tại nước ta có hiệu quả phục vụ cho phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Xuất phát từ thực tiễn cần phải có quy định về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nên ngay từ Bộ luật Lao động của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành ngày 23/6/1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995, đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012; trong đó lần sửa đổi năm 2012 là lần sửa đổi cơ bản, toàn diện trong đó đã có những quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ điều kiện của lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, điều kiện tuyển dụng, giấy phép lao động, thời hạn của giấy phép, các trường hợp giấy phép hết hiệu lực... Để hướng dẫn thực hiện các nội dung trong quy định của Bộ luật Lao động trong giai đoạn 10 năm (từ năm 2008-2018) Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành 6 Thông tư về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an ban hành 2 Thông tư liên tịch để hướng dẫn thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ New Zealand và Chính phủ Australia về chương trình làm việc kết hợp kỳ nghỉ.
Công nhân, kỹ sư người nước ngoài làm việc tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
Theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động là công dân nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu nước ngoài trước khi tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài vào làm việc trên lãnh thổ Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong thời gian qua, số lượng lao động nước ngoài có xu hướng tăng, nhất là trong những năm gần đây (tính từ năm 2016, năm 2017 đến đầu năm 2018) cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài, trong đó đa số đã được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động); số còn lại không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc đang làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động.
Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Đánh giá kết quả đạt được về thực hiện quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chính sách quản lý lao động nước ngoài thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là những vị trí công việc mà lao động Việt Nam không đáp ứng được thì được sử dụng lao động nước ngoài. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện được nghiên cứu, trao đổi, đối thoại và cộng đồng doanh nghiệp, tổ chứcđặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, cụ thể như: Các văn bản pháp luật quy định việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ; Một số văn bản hướng dẫn thực hiện quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từng bước được bổ sung, hoàn chỉnh theo hướng chủ động và tăng cường quản lý. Các bộ, ngành đã tích cực xây dựng các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Trình tự, thủ tục, hồ sơ trong việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài,; cấp, cấp lại giấy phép lao động; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã giảm bớt thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế; Ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp giấy phép lao động theo tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, thực hiện việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài qua mạng điện tử; Các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động nước ngoài thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Lực lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chủ yếu là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật, đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý điều hành, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong quản lý lao động nước ngoài giữa các cơ quan chuyên môn ở địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời và đồng bộ giữa ngành LĐ-TB&XH kế hoạch và đầu tư, công an...trong việc chia sẻ thông tin, giải quyết các vi phạm phát sinh; Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật đối với việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam ở địa phương mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa thực sự thường xuyên, liên tục, dẫn đến cách hiểu và thực hiện chưa được thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức; Việc phối hợp thực hiện trong việc quản lý còn hạn chế, công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức; Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người lao động nước ngoài trong việc tuyển, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động; xuất nhập cảnh và cư trú còn hạn chế; nhiều người lao động nước ngoài vào Việt Nam mới thực hiện việc cấp giấy phép lao động.
Tăng cường quản lý lao động nước ngoài
Theo Cục Việc làm, trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu gồm: Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực và có sự phối hợp gồm các ngành LĐ-TB&XH; ngoại giao; kế hoạch và đầu tư; tư pháp; xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú ở các cấp để tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài hiểu rõ và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Ba là, rà soát, đánh giá và hoàn thiện quy chế phối hợp theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ người sử dụng lao động, cấp giấy phép lao động, quản lý lao động, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến người lao động nước ngoài, các địa phương tuyệt đối không vì thu hút đầu tư mà nới lỏng quản lý lao động nước ngoài. Năm là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam có trình độ, kinh nghiệm để từng bước thay thế các vị trí công việc của lao động nước ngoài.