Trong tiến trình hội nhập quốc tế, các quy định pháp luật về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm quản lý và đảm bảo ATVSLĐ phải được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thông lệ, Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Cụ thể là: Công ước 155 về ATVSLĐ và môi trường làm việc năm 1981; Công ước 187 về cơ chế tăng cường công tác ATVSLĐ năm 2006. Tại Công ước số 155 và Công ước số 187 của ILO đã quy định các nước thành viên phải chủ động các bước để tiến đến môi trường lao động an toàn và lành mạnh thông qua chính sách, hệ thống văn bản pháp luật, trong đó có hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATVSLĐ phù hợp. Tuân thủ quy định tại các Công ước của ILO mà Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập; nội luật hóa các quy định tại Công ước phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam là một yêu cầu đang được đặt ra.
TS. Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động
Hệ thống quy chuẩn ATVSLĐ
Trước khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn có hiệu lực vào ngày 01/01/2007, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt nam chỉ có các tiêu chuẩn và quy phạm về an toàn lao động, chưa có quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động. Khi đó, theo quy định của Bộ luật lao động và các Nghị định quy định chi tiết (Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về ATVSLĐ và Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06) thì các tiêu chuẩn, quy phạm ATVSLĐ là bắt buộc thực hiện, khác với việc khuyến khích thực hiện như quy định của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn và các Tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, các Tiêu chuẩn ngành do Bộ, ngành quản lý ban hành.
Từ ngày 01/7/2007 đến nay, các tiêu chuẩn là khuyến khích áp dụng và các quy chuẩn là bắt buộc áp dụng. Với quy định như vậy, một nhiệm vụ lớn được đặt ra là phải chuyển đổi các tiêu chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ thành các quy chuẩn ATVSLĐ để đáp ứng yêu cầu quản lý ATVSLĐ, đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc của người lao động.
Việt Nam có khoảng hơn 200 tiêu chuẩn liên quan đến công tác ATVSLĐ chia thành các nhóm cơ bản: Các tiêu chuẩn cơ bản, các khái niệm, định nghĩa; Các tiêu chuẩn về vệ sinh lao động; Các tiêu chuẩn về an toàn đối với máy, thiết bị sản xuất... Đa số các tiêu chuẩn này được soạn thảo trước năm 2000, rất nhiều trong số đó là từ những năm 70, 80, 90 của thế kỷ trước. Sau năm 2000, có 05 tiêu chuẩn được ban hành năm 2001 về quần áo bảo vệ cá nhân; 02 tiêu chuẩn được ban hành năm 2003 về giày ủng đúc dẻo; 01 tiêu chuẩn được ban hành năm 2004 về vi khí hậu trong phòng (Tiêu chuẩn xây dựng) và 04 TCVN về phương tiện bảo vệ cá nhân được ban hành năm 2007 (về giày ủng). Sau ngày 01/01/2007, thẩm quyền ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ thuộc Bộ Lao động – TBXH. Trong quá trình triển khai, định hướng xây dựng quy chuẩn là chuyển đổi toàn bộ các tiêu chuẩn, quy phạm ATVSLĐ và các tiêu chuẩn có liên quan thành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ.
Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Lao động - TBXH mới ban hành được 24 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn lao động. Ngày 30/6/2016, Bộ Y tế đã ban hành 09 QCVN về vệ sinh lao động thay thế cho các tiêu chuẩn vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, còn có các QCVN có nội dung liên quan đến ATVSLĐ của các Bộ, ngành khác như: Bộ Tài nguyên và Môi trường (02 QCVN); Bộ Khoa học và Công nghệ (02 QCVN); Bộ Xây dựng (02 QCVN); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (01 QCVN); Bộ Công Thương (35 QCVN).
Như vậy, so sánh với tiêu chuẩn về ATVSLĐ thì quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ ít hơn rất nhiều cả về số lượng, cả về phạm vi quy định nội dung cụ thể.
Tình hình, cách thức xây dựng quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động
Như trên đã đề cập, định hướng xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ trong giai đoạn vừa qua theo hướng cơ bản là chuyển đổi từ các tiêu chuẩn ATVSLĐ, chưa phù hợp với năng lực triển khai của doanh nghiệp. Với cách chia các quy chuẩn quá chi tiết, tương ứng với tiêu chuẩn, phạm vi điều chỉnh nhỏ, dẫn tới hệ thống quy chuẩn ATVSLĐ dự kiến rất đồ sộ nhưng tình hình xây dựng thì chưa đáp ứng được, số lượng còn rất ít và phạm vị nội dung cụ thể cũng chưa đáp ứng được thực tế; nội dung của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ chưa thoát ly được nội dung của các tiêu chuẩn ATVSLĐ, phức tạp và chuyên sâu; đồng thời lại thiếu những nội dung quy định có tính cơ bản, thường quy, những kiến thức an toàn lao động cơ bản. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng đã có sự chồng chéo về thẩm quyền ban hành và phạm vi điều chỉnh trong quy chuẩn của Bộ Lao động - TBXH và các Bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải...). Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ ban hành hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ. Vấn đề này đã chiếm rất nhiều thời gian chia sẻ, họp bàn của các bên có liên quan với sự chủ trì, trọng tài của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, kết quả giải quyết vấn đề chồng chéo không được nhiều cho đến khi có Luật ATVSLĐ.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ thường có nội dung phức tạp, cần có những nghiên cứu chuyên sâu để phù hợp với thực tiễn. Trong khi đó, nguồn lực cho việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ còn rất thiếu thốn; lực lượng công chức, viên chức có kinh nghiệm về lĩnh vực này còn quá ít. Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tuy nhiên sự tham gia vào lĩnh vực ATVSLĐ vẫn còn hạn chế (kể cả về kinh phí lẫn con người). Với những khó khăn như vậy, việc triển khai xây dựng Quy chuẩn ATVSLĐ một cách dàn trải càng không khả thi.
Tình hình thực hiện, triển khai các quy chuẩn ATVSLĐ
Quá trình khảo sát, thanh tra, kiểm tra cho thấy, việc thực hiện các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ của các doanh nghiệp vẫn chưa tốt với các nguyên nhân cơ bản sau: Ý thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động còn chưa cao; Nội dung của quy chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động đôi khi còn quá phức tạp; Hệ thống quy chuẩn chia quá nhỏ dẫn đến khó theo dõi và thực hiện; Sự chồng chéo nội dung và phạm vi quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ với các quy chuẩn kỹ thuật do các Bộ quản lý chuyên ngành làm doanh nghiệp khó thực hiện; Công tác tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ chưa truyền tải tốt các quy chuẩn ATVSLĐ; Công tác thanh tra, kiểm tra cũng ít đề cập tới nội dung quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ...
Với việc triển khai quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ chưa đầy, đủ nghiêm túc như vậy nên hệ quả là tai nạn lao động (TNLĐ) liên quan đến các vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là trong việc sử dụng máy, thiết bị và vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Ví dụ, theo phân tích tại Thông báo TNLĐ năm 2015, tỷ lệ các vụ TNLĐ có nguyên nhân như sau: người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 25,2% tổng số vụ; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 14,3% tổng số vụ; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 9,7% tổng số vụ; người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 1%; người lao động bị nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 17,2% tổng số vụ; người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 1,7% tổng số vụ. Như vậy, phần lớn nguyên nhân TNLĐ do liên quan đến việc thực hiện không đúng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ.
Giải pháp triển khai, thực hiện hiệu quả quản lý Nhà nước đối với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ
Nhằm chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém, tăng cường chủ động phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ, BNN, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 29-CT/TW ngày 18/9/2013 về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng liên quan đến quy chuẩn, đó là: “Đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn ATVSLĐ phù hợp với yêu cầu tình hình mới, thay thế cho các tiêu chuẩn, quy chuẩn cũ”.
Theo quy định tại Điều 87 Luật ATVSLĐ có hiệu lực ngày 01/7/2016, thì trách nhiệm xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ do Chính phủ phân công. Cụ thể hóa nội dung này, Điều 39 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ đã phân rõ trách nhiệm xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ cho 10 Bộ theo hướng các Bộ ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ cho các đối tượng đặc thù; Bộ Lao động – TBXH ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động cho các đối tượng chung và là đầu mối thống nhất về quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ. Bên cạnh đó, Điều 6 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động cùng Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định cũng đã phân định rõ trách nhiệm của các Bộ trong việc quản lý các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ đáp ứng được các yêu cầu quản lý Nhà nước đặt ra cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế về tiêu chuẩn ATVSLĐ mà Việt Nam đã ký kết, tham gia trong thời gian tới, cần thực hiện các nhóm giải pháp sau:
Một là, việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ phải thống nhất giữa các Bộ, ngành; thống nhất mẫu đề xuất kế hoạch, danh mục quy chuẩn; Nội dung của quy chuẩn cần được đơn giản hơn, cách viết tiếp cận với người sử dụng trực tiếp là các doanh nghiệp và người lao động; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ. Đây chính là kênh thông tin quan trọng cho cơ quan quản lý Nhà nước điều chỉnh quy định của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ phù hợp với thực tế; Các địa phương cần đưa nội dung về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ vào các chương trình đối thoại ba bên giữa người sử dụng lao động, người lao động và cơ quan quản lý Nhà nước nhằm đánh giá hiệu quả thực thi của quy chuẩn, phục vụ quá trình xây dựng, sửa đổi quy chuẩn; Các Bộ, ngành cũng cần tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin liên quan đến triển khai, thực thi các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ để điều chỉnh kịp thời.
Hai là, tăng cường quản lý Nhà nước đối với quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ, trong đó chú trọng tăng cường nội dung về quy chuẩn trong tuyên truyền, huấn luyện, thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ; bổ sung nhiều đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề về việc thực hiện các quy chuẩn; Nâng cao năng lực của lực lượng thanh tra, lực lượng giảng viên về các nội dung quy chuẩn.
Ba là, tăng cường phổ biến quy chuẩn đến các đối tượng quản lý, đào tạo doanh nghiệp. Đưa các nội dung quy chuẩn vào các tài liệu huấn luyện và trong chương trình huấn luyện phải đảm bảo các nội dung quy chuẩn theo từng chuyên ngành./.