Mỗi khi nhớ về khu vườn dong riềng lấp lánh sao hoa mộng mơ ngày ấy, là như đang bay trong giấc xanh trở về khung trời mật ngọt. Một ngôi vườn có thước đo rộng dài phên giậu, những rào thưa ngăn cách những giới hạn đất đai, nhưng mênh mông trìu mến và ngọt ngào trong mắt biếc, của những trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng thuở quê xưa.
Khu vườn là không gian vui chơi, đùa nghịch, diễn xướng, nơi bình yên sạch sẽ để lũ trẻ lăn lê, chơi trò trốn tìm, đuổi bắt. Cứ chạy tóa vào vườn dong, nơi những lùm xanh mướt mát chẳng có gì nguy hiểm, chẳng ẩn họa nào rình rập. Cứ nấp cười khúc khích giữa những lùm xanh rung rinh lá thẫm, đung đưa từng chùm sao ngọt. Cứ chạy từ góc này sang góc khác của một ngôi vườn rộng lớn, kẻ phải tìm không tài nào bắt nổi cái kẻ chạy trốn có lá có cây che chắn, bao bọc, ấp ôm. Cứ khanh khách những tràng cười rung rinh tàng lá bị chân ai táp vào nghiêng ngả. Cứ quá khích trò chơi vật đuổi, chẳng thèm màng đến những lá tươi đang bị dày cho dập nát. Cuộc vật đuổi có khi chẳng lý do, có khi chỉ vì giành giật nhau mấy bông dong riềng mật ngọt. Bỗng có đứa nào reo lên rằng có một tổ chim sâu, thì đứa tin đứa ngờ, rồi sẽ nhảy ngang cây dong riềng mà đạp nhanh cho tới cái chỗ mấy đứa khoác lác kia, đang chụm đầu xem xét cái tổ chim mong manh yên tròn vài viên trứng mỏng. “Trứng này sắp nở rồi chúng mày ạ”. “Để yên, đứa nào đụng vào, có hơi tay người là chim mẹ sẽ tha trứng đi mất đấy!” Chẳng biết điều đó có thật hay không, nhưng chỉ một tuyên bố chắc nịch như thế, là mấy đứa đang tăng động muốn bứt tổ chim khỏi cây về luộc trứng bỗng im lặng rơi ngay vào nghĩ ngợi. Chúng có lẽ đang tin rằng hơi người sẽ làm chim mẹ sợ an nguy đến bầy con, nên lẳng lặng giãn ra. “Để cho mấy cái trứng nó thở chúng mày ơi. Ám hơi người, trứng ung hết, không nở được đâu”.
Một đứa nào đó chắc là hay đọc sách, liền gọi việc phát hiện tổ chim là những khám phá kỳ diệu, của những cuộc thám hiểm khu vườn. Từ hôm ấy, tự nhiên, chúng bỗng cứ lặng lẽ, nhẹ nhàng. Từng bước chân rón rén, dịu dàng đi vào khu vườn, khẽ kiễng lên níu ngọn dong mà nhẹ nhàng bẻ lấy vài nhành hoa còn lim dim sương ướt. Có tiếng lích chích chim mẹ từ đâu mang nắng sớm bay về. Đấy, biết ngay, chim mẹ tha mồi, chắc là chim non mới nở…
Có lẽ, sẽ chẳng bao giờ lũ trẻ quên được, nơi mà chúng thích chui rúc trốn tìm nhất, thì đó chính là vườn dong riềng to lớn của nhà tôi. Ngày ấy, tôi là đứa trẻ còi cọc, yếu ớt nên kén ăn, kén chơi, kén bạn. Chúng tôi thích mút mật hoa dong riềng, vì đói hay vì ngon ngọt, có lẽ cả hai. Góc vườn có vài cây ổi, một cây dâu da xoan, một lùm chanh cốm. Mùa xuân, khi ổi trổ búp non và dâu da xoan lên đọt mầm non mỡn, chúng tôi hái mầm cây nhấm nháp như những chú sâu con. Mầm ổi the the, chát chát. Mầm dâu da xoan chua dịu, trong trong mọng nước. Qua xấp xới nắng hè thì bứt chanh cốm chấm muối mà nhăn nhó, xuýt xoa. Bông dong riềng đầu mùa mới bói đung đưa vẫy vào cơn khát những muốn hòa mình thấm đẫm hương cây, mật quả. Cả đọt chuối non mới nhú lên vài gang tay còn nâu hồng phấn trắng. Bẻ lấy, bóc đi vài lớp bẹ phấn, là đến lớp nõn giòn thơm ứa nhựa ngọt lành…
Rồi cũng qua xuân, độ vài tháng một lần, chị em tôi bảo nhau bẻ lá dong riềng để thúc cho cây lên đốt, lớn nhanh. Tôi làm việc đó khá giỏi. Gân lá dong riềng rất giòn, chỉ cần bẻ nhẹ một cái là gãy, nên những đôi tay nhỏ bé của trẻ con hoàn toàn có thể làm khéo. Lá bẻ về được xếp chồng lên nhau đẹp đẽ, dùng cọng rơm nếp bó thành từng bó nhỏ cho chị mang vào chợ phố bán. Lá dong giềng dùng để gói xôi, gói bún. Bán đâu được có vài đồng một mớ, nhưng cũng đủ mua đẵn mía, dúm bỏng ngô bỏng gạo cho mấy đứa lau nhau.
Mùa thu hoạch củ dong riềng là mùa đông. Dong riềng là loài cây mọc cụm, nên củ dong riềng cũng từng chùm, tua tủa rễ. Chúng tôi vẫn thường đùa nhau về “chòm râu của ông dong riềng” khi bọn trẻ con cả xóm xúm lại thi… xén “râu”. Xong thì khiêng từng cụm xếp gọn vào góc vườn, chờ cho nắng Chạp làm đất khô ải đi, vỡ dần ra, để lộ những củ dong thon dài chắc lẳn. Những ngày tháng Chạp hanh hao, giáp Tết, là khi lớp đất ôm lấy các chùm dong đã khô, ải trắng, đập nhẹ cán dao một cái là vỡ tơi, lộ ra những củ dong bóng bẩy. Bọn trẻ con lại được người lớn sai ra vườn tách từng củ đem rửa. Một lũ thường khi chơi trò đuổi bắt, mút mật hoa với nhau ở vườn dong, lúc này đều chạy sang nhà tôi để cùng xúm xít. Dọn vườn nhanh đi, còn ăn Tết. Người lớn thúc giục. Chúng tôi giúp người lớn chọn củ to mang bán cho người làm miến; củ nhỏ để giã nát, nấu thức ăn cho đàn lợn đói ngày nào cũng chực phá phách trong chuồng. Những củ dong ngon lành nhất, tất nhiên, sẽ được chọn riêng ra từ đầu. Chị tôi luộc một rổ lớn để chúng tôi ăn củ đầu mùa cho thỏa thuê. Dong giềng luộc chín đem cắt lát thấy ánh lên lấm tấm lớp tinh bột đường trên màu thịt củ trong trong màu nước, ăn bở và ngọt. Tôi thường thích ăn dong riềng nướng, thơm và bùi hơn.
Vừa mới kể chuyện hái hoa vườn dong đầy mơ mộng, giờ lại kể có lúc trộm mẹ dúi một vài củ dong vào nồi cám lợn, thật chẳng dễ ai tin. Nhưng vào những khi dong ngon chọn ăn đã hết, còn độ lưng thúng củ già lẫn nhỏ, sứt sẹo, sang Giêng ẩm ướt có củ còn lên mầm, mấy đứa níu tai bảo nhau dúi trộm vài củ vào nồi cám lợn. Khi chín, củ dong quyện lẫn cái mùi nồng nồng ngai ngái của bèo tây, mùi chua chua khăn khẳn của dây muống già ủ úa, thứ mùi nói chung rất… cám, nhưng chẳng hiểu sao ngày ấy, chúng tôi cứ ăn dào dào, ngon đến lạ lùng.
Trong một bài thơ có tên là “Thung mơ”, tôi viết về những mùa hoa dong riềng của tuổi thơ ngày ấy:
“chúng mình cõng nhau
bay trên những nẻo vườn cũ
khắp các ngả làng lời ca tiếng hú
những gốc vối bờ ao
hoa dong riềng vươn sao
tôi đã uống bao nhiêu nước mắt?
hay giấc mơ em
sương nắng quê mưa
ròng ròng nhựa mật”.
Một ngôi vườn chưa bao giờ ngưng xanh trong ký ức. Một loài hoa chưa bao giờ thôi hết những ngọt ngào. Ngôi vườn ấy là thung mơ, là khung trời mật ngọt, nơi lũ trẻ ngày nào bay trong xanh ngần mộng ước. Những lấm láp, ngọt ngào, bao giận hờn, nhung nhớ. Tuổi thơ như búp hoa xuân, như bầy chim đập cánh trong nắng sớm, yêu thương biết mấy cho vừa…