Được sự giới thiệu của trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cư Kuin, chúng tôi đến với gia đình thương binh Lê Văn Thân. Trong căn nhà rộng rãi, khang trang ông đã kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên ông đến với vùng đất Tây Nguyên lập nghiệp, phát triển kinh tế thành công, trở thành tấm gương điển hình sản xuất giỏi.
Sinh ra lớn lên từ vùng quê Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh, chàng thanh niên Lê Văn Thân lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Tại chiến trường Quảng Trị năm 1972, trong trận chiến khốc liệt, ông Thân đã bị thương (thương binh 4/4). Mặc dù vậy, ông vẫn không xuất ngũ, mà ở lại căn cứ cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Năm 1975, ông trở về quê nhưng điều kiện kinh tế vùng quê nghèo vô cùng khó khăn, đến năm 1978, ông đã cùng gia đình vào xã Ea Ktur huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, khai hoang, lập nghiệp. Nhận 2 ha đất rẫy, ông trồng cà phê, hồ tiêu. Sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn tích cóp, cùng với đó là những tháng ngày không ngừng học hỏi để áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, ông đã xây được căn nhà khang trang. Nhìn vào tấm gương bố, mẹ, cần cù, chịu khó hăng say lao động, các con ông cũng đã bảo ban nhau nỗ lực học hành. Đến nay các con ông đã đỗ đại học và có việc làm ổn định. Hiện tại nguồn thu nhập từ cà phê, hồ tiêu cũng đã cho ông thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Giờ đây, dù đã có cuộc sống ổn định, thu nhập khá giả, nhưng chưa bao giờ ông cho phép mình ngơi nghỉ. Hàng ngày, ông vẫn siêng năng lao động, sản xuất, không ỷ lại. Với ông, lao động không chỉ niềm vui, mà còn là cách để giáo dục con cháu. Vươn lên làm giàu từ khó khăn, ông luôn giữ quan niệm “khó khăn đến mấy mà bản thân cố gắng thì sẽ vượt qua và đạt được quả ngọt”.
Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, ông còn luôn tận tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn cách chăm sóc cà phê, hồ tiêu sao năng suất, chất lượng tốt cho bà con trong thôn, xã.
“Bản thân tôi đi lên từ nghèo khó thì nên càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người nghèo, do vậy, tôi luôn cố gắng nhất có thể để giúp người người khó khăn hơn mình vươn lên trong cuộc sống” – ông Thân chia sẻ. Vì vậy, trong các phong trào hoạt động của địa phương, ông luôn nhiệt tình tham gia, ủng hộ.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk Phạm Thị Thừa cho biết: Thời gian vừa qua phong trào cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế, để giảm nghèo, đã trở thành một phong trào lớn, lan tỏa rộng khắp trong các cấp hội cựu chiến binh trên địa bàn. Trong đó ông Lê Văn Thân, thôn 11, xã Ea Ktur là một trong những tấm gương tiêu biểu. Dù là người đã từng “vào sinh ra tử”, để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường ác liệt, nhưng khi rời cuộc chiến, ông kiên cường vượt qua nỗi đau của thể xác, mạnh dạn phát triển kinh tế, tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Câu chuyện về người thương binh Lê Văn Thân, quê Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh lập nghiệp và thành công ngay trên mảnh đất Tây Nguyên là bước đột phá trong phong trào thi đua Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Gặp và nghe ông kể về hành trình lập nghiệp mới thấu hiểu được rằng, để có được thành công, phải có khát khao, có tinh thần “thép” dám nghĩ, dám làm, dám đường đầu với thất bại và không đầu hàng trước khó khăn.