Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thương binh Lê Xuân Vy: Người chỉ huy đào Địa đạo Vĩnh Mốc vừa qua đời

Trong số 114 địa đạo trên mảnh đất Vĩnh Linh, hệ thống địa đạo Vĩnh Mốc là một địa đạo lớn nhất có tổng chiều dài 1.701m, với 13 cửa (gồm 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi).

 

 Người thiết kế, tổ chức thi công “làng hầm – Địa đạo Vĩnh Mốc” từng che chở, nuôi dưỡng cho hàng ngàn quân và dân Vĩnh Linh trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ là “công trình sư’ ông Lê Xuân Vy.

         Một số hình ảnh về Khu địa đạo Vĩnh Mốc - Vĩnh Linh - ảnh Lê Bá Dương

Khi chỉ huy đào, xây dựng Địa đạo Vĩnh Mốc, ông Lê Xuân Vy vẫn chưa học xong bậc tiểu học và công cụ chính ngoài cuốc, xẻng... thì chỉ có một chiếc la bàn cũ kỹ để định vị hướng đào. Vậy mà, ròng rã hai năm có lẻ (1966 – 1967), bắt đầu từ việc tổ chức cho đơn vị đào hầm trú ấn và chiến đấu theo hình thái địa đạo, sau đó tiến hành hướng dẫn, tổ chức cho đồng bào chiến sỹ địa phương khu vực Vĩnh Linh tích cực đào hầm địa đạo đủ để hàng trăm hộ gia đình đã chuyển cuộc sống trên mặt đất vào địa đạo. Vừa bảo toàn được mạng sống giữa chảo lửa, túi bom, vừa tổ chức sản xuất và chiến đấu trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng phi pháo của kẻ thù.

           Cựu chiến binh, Thương binh, "Công trình sư" ông Lê Xuân Vy (LBD)


Để có cả một hệ thống làng hầm địa đạo gồm 3 tầng hầm từ độ sâu 15m đến 22 mét với hơn 2.000 m chiều dài trục chính, cùng đầy đủ thiết chế hạ tầng của một khu dân cư gồm các căn hộ gia đình, trạm xá, nhà hộ sinh, trường mẫu giáo, hội trường … Là cả hơn 18.000 ngày công của quân và dân Vĩnh Linh với sự chỉ huy của đồn trưởng đồn biên phòng 140 Lê Xuân Vy trong vai trò “tổng công trình sư”.

          Đây là công trình huy động toàn bộ trí tuệ, sức lực của quân và dân Vịnh Mốc mà nòng cốt là lực lượng vũ trang đồn 140, nơi “công trình sư” huyền thoại làm đồn trưởng, đã bằng công cụ lao động thô sơ như cuốc xẻng, quang gánh, xe cút kít và chiếc la bàn cũ được coi là phương tiện kỹ thuật thuật hiện đại nhất làm căn cứ đào địa đạo, làm nên một kỳ tích xuyên lòng đất.

         Cửa vào Địa đạo Vĩnh Mốc

Làng hầm sâu dưới lòng đất này đã nuôi dưỡng, chở che cho hàng trăm con người bám trụ chiến đấu và tồn tại hơn 2.000 ngày đêm, thực sự vượt ra xa, rất xa sự tưởng tượng theo suy luận thông thường của con người, nhưng là một sự thật trong cái vỏ lung linh huyền thoại.