Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thương lái Trung Quốc tung chiêu, nông dân lãnh đủ

Từ trái thanh long đến cá tra quá lứa, heo mỡ… thương lái Trung Quốc đều có những chiêu bài thu mua, khiến thị trường nhiễu loạn. Các chuyên gia cảnh báo, rất “khó chơi với thị trường một người mua”, và nông dân cần tỉnh táo, nếu không sẽ “ôm” nhiều quả đắng.

Thương lái Trung Quốc giảm mua cá tra quá lứa, khiến người nuôi đứng ngồi không yên. Ảnh: Bình Phương.

Mua cá quá lứa, chế biến tùm lum

Cá tra nguyên liệu hiện tiêu thụ rất chậm, dù giá bán đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tại các vựa cá như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… hầu hết các hộ bán cá cho nhà máy với giá 18.500-19.000 đồng/kg (trả sau) loại cỡ chuẩn để xuất đi châu Âu, Mỹ (700-900 gram/con); chỉ ít hộ bán với giá 17.000-17.5000 đồng/kg. Mức giá cá trên đã giảm 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 4.000 - 5.000 đồng/kg so với đầu năm nay.

Tuy nhiên, với loại cá tra quá lứa (loại 1kg/con trở lên), hiện lượng tồn kho và tại các ao của doanh nghiệp (DN) cũng như hộ dân khá nhiều. Bởi, các thương lái Trung Quốc đã chững lại, không tranh mua ồ ạt với các nhà máy địa phương như hồi đầu năm nay.

Theo ông Trương Đình Hòe, mua bán với thương lái Trung Quốc phải “tiền trao cháo múc”. “Nếu thương lái Trung Quốc chỉ thích mua hàng quá lứa, có thể yêu cầu họ ứng tiền trước, đến ngày thì họ tới bắt. Nó giống việc thuê làm hàng độc, lạ, chỉ có một cửa tiêu thụ, nên anh phải có những điều kiện ràng buộc chắc chắn hơn”, ông nói.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc từ đầu năm đến giữa tháng 7/2016 đạt gần 130 triệu USD, tăng gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo một DN xuất khẩu thủy sản lớn ở An Giang cho biết, cá tra bán đi Trung Quốc tăng chủ yếu do các thị trường khác bán chậm. Ngay DN xuất khẩu cũng bị tồn kho lớn, nên nhiều hộ nuôi phải nuôi kéo dài, khiến cá quá lứa.

Theo vị này, cá quá lứa chủ yếu bán ở chợ, giá rẻ hơn. Thương lái Trung Quốc lợi dụng thời gian này thu mua loại cá trên, rồi thuê mấy xưởng chế biến nhỏ, làm tùm lum, xuất đi Trung Quốc với giá thấp. “Trong khi các DN chế biến xuất đi Trung Quốc với giá 2.2 USD/kg, còn các thương lái Trung Quốc sau khi thuê chế biến tùm lum, đạp giá xuống 1,8 USD/kg. Việc đạp giá này sẽ làm nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến hình ảnh cá tra Việt Nam và của các DN làm ăn nghiêm túc. Vì thế, các cơ quan chức năng cần làm rõ việc này”- vị lãnh đạo DN nói.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho rằng, cách thu mua của thương lái Trung Quốc không có gì xa lạ và đã được cảnh báo rất nhiều lần. “Trước đây, mấy ông nuôi cá bảo là bán cho Trung Quốc có lời hơn DN trong nước, nên rủ nhau nuôi bán cho Trung Quốc. Việc này rất khó cản. Bây giờ, họ phải tự cân đối, tính toán khả năng tiêu thụ, chứ lỡ sập hầm kêu ai được”- ông Hòe nói.

Trung Quốc không mua, đổ đâu cho hết

Cùng với cá tra quá lứa, tình trạng thương lái Trung Quốc lùng mua lợn mỡ (từ 120 kg/con trở lên) tại các vựa heo cũng đang làm thị trường đảo lộn. Tại Đồng Nai - vựa heo lớn nhất cả nước, giá lợn hơi hiện khoảng 46.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so tuần trước.

Ông Phạm Đức Bình, người từng mệnh danh là “vua heo” ở Đồng Nai cho biết: “Ở Đồng Nai, một ngày nào đó không bán cho Trung Quốc, thì heo đổ đi đâu cho hết”. Theo ông Bình, việc thương lái Trung Quốc săn heo mỡ là chuyện bất bình thường với cả thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam. Nhưng vì nuôi heo mỡ bán được cho Trung Quốc, nên người dân mới nuôi đến cỡ đó, chứ không họ sẽ nuôi kiểu khác.

Ông Bình cho rằng, nhiều người đang quá hào hứng việc bán heo cho Trung Quốc. “Vừa rồi, ở Trung Quốc bị rét, lũ lụt, đàn heo bị thiếu hụt nhiều quá, nên mới mua của mình, đừng nghĩ họ mua lâu dài. Còn Trung Quốc chiếm 60% lượng heo của thế giới, do vậy, không chừng có lúc họ còn xuất ngược sang mình”.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết, hiện mỗi ngày xuất khoảng 30-50 xe lợn qua các đường tiểu ngạch ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai và chủ yếu là lợn mỡ. Giá thu mua tại các địa phương miền Nam ở mức 43.000-46.000 đồng/kg, miền Bắc khoảng 42.000-43.000 đồng/kg và với giá này người chăn nuôi đang có lãi.

Tuy nhiên, theo ông Vân, Trung Quốc là thị trường rất lớn, nhưng do chủ yếu xuất lợn hơi tiểu ngạch nên nhiều rủi ro, đặc biệt là những lúc “tắc biên”. Do vậy, ông khuyến cáo người nuôi bình tĩnh, không quá kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc rồi vào đàn ồ ạt. “Người nuôi phải hết sức tỉnh táo, thận trọng để phát triển việc chăn nuôi có kế hoạch, có trọng tâm. Lợn là động vật sống, khác với chuối, dưa hấu, nếu bị ứ là chết”- ông Vân nói.

Ông Vân cho biết thêm, Cục đã trình Bộ NN&PTNT sẽ có một hội nghị giữa Bộ NN&PTNT với các Bộ Công Thương, Quốc phòng, Công an và một số tỉnh biên giới để tháo gỡ việc xuất khẩu tiểu ngạch, tránh việc ứ đọng gây thiệt hại lớn. Cùng đó, sẽ tăng cường chăn nuôi theo chuỗi, minh bạch các khâu, tránh việc thương lái đang “ăn chặn” hết phần của người nuôi.

Cần con đường chính thức

Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), cá tra quá lứa, hay heo mỡ là loại hàng hóa “độc lạ”, nên chỉ có một người mua. Theo quy luật, nếu không đa dạng thị trường, chỉ có một người mua, rõ ràng mình sẽ bị ép giá và nông dân chịu tổn thất.

Ông Hồ cho rằng, như thanh long ở Bình Thuận, thương lái Trung Quốc đặt mua giá cao, nhưng đến lúc mua họ chọn lựa kỹ và chỉ lấy giá cao khoảng 10% số lượng, còn lại là họ ép giá xuống thấp, và đến thấp quá cũng phải bán. “Khi không bán được, đổ cho bò ăn và đó là chuyện có khả năng xảy ra, nếu chỉ phụ thuộc vào một thị trường” - ông Hồ nói.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc thương lái Trung Quốc mua cá tra quá lứa, hay lợn mỡ na ná như việc họ lùng mua đỉa, rễ tiêu, lá điều… trước đây. Ông Tuấn cho rằng: “Chơi với thương lái Trung Quốc, phải lưu ý có “làm sóng” như thị trường chứng khoán hay không và có thể có một nhu cầu đột biến nào đấy. Bởi, Trung Quốc là thị trường rất lớn, nhu cầu đột biến của một huyện, hay một tỉnh nào đó của họ, cũng có thể khuynh đảo thị trường của ta rồi. Bà con mình cũng bị rất nhiều vố rồi, và nên cảnh giác về việc đó”.

Theo ông Tuấn, nếu xúc tiến thương mại, kết nối chính thức với thị trường Trung Quốc sẽ tránh được rủi ro. Còn đi dạng tiểu ngạch, ít bị kiểm soát, nhưng nếu họ ngừng mua, cả làng khóc.