Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thương lượng tiền lương tối thiểu vùng 2018 các bên đưa ra vẫn "vênh" nhau

Sau 5 tiếng tranh luận, đến 12 giờ 30 phút ngày 28/7, Phiên họp thứ hai của Hội đồng tiền lương Quốc gia đã kết thúc, tuy nhiên giới sử dụng lao động (Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam- VCCI) và đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Lúc 8h30 ngày 28/7, Phiên họp lần 2 bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng 2018 của Hội đồng tiền lương Quốc gia được diễn ra tại Hà Nội. Nguồn tin của Báo Dân Sinh, Phiên họp diễn ra rất căng thẳng khi đại diện người sử dụng lao động và đại diện giới doanh nghiệp đã đưa ra những con số rất chênh lệch.

Phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra sáng nay 

 

Cũng như thường lệ, đây là cuộc họp kín và báo chí không được tham dự. 

Hội đồng Tiền lương quốc gia do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm Chủ tịch; 3 Phó chủ tịch Hội đồng gồm: một Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; một Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; và các uỷ viên của hội đồng là đại diện của nhiều cơ quan, ban ngành khác..

Ngay trước khi Phiên họp diễn ra, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, khẳng định mức đề xuất sẽ không cao hơn 5 %.

Trong khi đó, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho rằng theo lộ trình tiền lương tối thiểu đáp ứng như cầu sống tối thiểu của người lao động, thì mức tăng lương năm 2018 phải là 13,3% theo như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Còn nếu kéo dãn thời gian đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động thì ít nhất năm 2018 phải tăng lương ở mức 10%.

Một thành viên của Hội đồng tiền lương Quốc gia tiết lộ với phóng viên Báo Dân sinh, tại cuộc họp này, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất 4 phương án mới để các bên tham khảo. Theo đó, mức điều chỉnh năm 2018 thấp nhất là 5% và cao nhất là 8% theo các phương án sau:

Phương án 1, tăng mức lương tối thiểu từ 130.000 - 180.000 đồng, tương đương 4,8 - 5,2% (bình quân 5%).

Phương án 2, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 160.000 – 220.000 đồng, tương đương 5,9 - 6,2% (bình quân 6%).

Phương án 3, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 180.000 – 250.000 đồng, tương đương 6,6 - 7,0% (bình quân 6,8%, bằng mức điều chỉnh phương án 1 và cải thiện thêm 1,8% theo mức đóng góp tối đa của lao động vào GDP).

Phương án 4, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 220.000 – 280.000 đồng, tương đương 7,5 - 8,5% (bình quân 8,0%).

Như vậy, những con số của Bộ phận kỹ thuật, Tổng LĐLĐVN, VCCI đưa ra vẫn có nhiều khác biệt. 

Trước đó, ngày 26/6, Phiên họp thứ nhất để thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng tiền lương quốc gia (Hội đồng) đã được tổ chức tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Tại phiên họp này, trong khi Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 13,3% so với năm 2017 (tăng từ 370.000 – 450.000 đồng so với năm 2017) thì đại diện giới sử dụng lao động chỉ đề xuất xem xét điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 bằng với mức đủ bù trượt giá năm 2017 là dưới 5%.

Sau 5 tiếng tranh luận, đến 12 giờ 30 phút ngày 28/7, Phiên họp thứ hai của Hội đồng tiền lương Quốc gia đã kết thúc, tuy nhiên giới sử dụng lao động (Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam- VCCI) và đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Như vậy, cả VCCI và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ có một tuần để có những trao đổi và đưa ra mức đề xuất tăng lương của mình theo hướng đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người lao động và người sử dụng lao động

Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia-Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp

"Mức tăng lương tối thiểu phải dựa vào nguyên tắc đồng thuận của các bên"

Cũng trong đầu giờ sáng nay 28/7, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia-Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trao đổi với báo giới khẳng định, mức tăng lương tối thiểu sẽ tuỳ thuộc vào kết quả thương lượng của các bên. Đặc biệt, việc áp dụng cơ chế quản lý hành chính vào việc thương lương là không hợp lý. Tất cả phải dựa vào nguyên tắc đồng thuận của các bên. “Chính phủ không bao giờ ấn định phải tăng ở mức nào. Vì can thiệp bằng hành chính thì không phù hợp. Cơ quan Nhà nước chỉ xem mức lạm phát bao nhiêu, tăng trưởng bao nhiêu phần trăm, chi phí DN như thế nào… Nhiều người hỏi quan điểm của Bộ bao nhiêu phần trăm, Bộ không quyết định vì can thiệp hành chính không phù hợp với cơ chế thương lượng” - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia nói.

 Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong cuộc họp về tiền lường tối thiểu, các chủ thể đều có lợi ích liên quan: Nhà nước mong muốn thị trường lao động vận hành lành mạnh, người lao động có thu nhập và doanh nghiệp phát triển. Người lao động kỳ vọng cải thiện lợi ích tiền lương cao nhất. Doanh nghiệp mong muốn giảm chi phí, tăng lợi nhuận và tích luỹ phục vụ sản xuất, tạo giá trị thăng dư. Chính vì sự khác biệt đó, các phương án đưa ra chênh nhau là bình thường và việc thương lượng để tìm đến điểm cân bằng. Tất nhiên, Luật Lao động khẳng định lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu.

Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, nếu phiên thương lượng hôm nay vẫn còn sự khác biệt và các bên thấy cần phải có thêm một phiên thương lượng nữa. "Có thể sẽ có thêm một phiên thương lượng thứ 3, cũng là phiên thương lượng cuối cùng, trước khi Hội đồng đưa ra quyết định mức tăng lương năm 2018 để trình Thủ tướng xem xét, quyết định",Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

 Như vậy, nếu phiên họp thứ ba hai bên thống nhất được một phương án thì đưa ra bỏ phiếu và nếu quá bán thì đó là phương án cuối cùng. Nếu không thống nhất được, Hội đồng sẽ đưa ra hai phương án của chủ sử dụng lao động và người lao động, phương án nào đạt tỉ lệ ủng hộ cao hơn sẽ được lựa chọn.