Từ nhiều năm nay, những thế hệ học sinh tại Sài Gòn đã quen thuộc với hình ảnh một cụ già tóc đã bạc trắng đầu, nụ cười giòn tan phúc hậu bên chiếc xe bán kẹo bông ở góc sân trường với lời rao thân thương: "Kẹo bông gòn ông ngoại, không có gì lạ, chỉ có milo, bơ, sữa, trái vãi, sầu riêng, me, cam là số dách".
Ngày ngày ông ngoại đều mang xe kẹo bông gòn của mình đi khắp các nẻo đường Sài Gòn.
Nụ cười giòn tan, phúc hậu của ông ngoại sau một ngày làm việc vất vả.
Có lẽ niềm vui tuổi xế chiều của cụ ông Huỳnh Văn Bảy (94 tuổi, ngụ phường 8, quận 4, TP.HCM) mỗi ngày là được rong ruổi khắp các nẻo đường Sài Gòn, mang những cây kẹo bông gòn ngọt tan đến các em học sinh, đổi lấy số tiền lời ít ỏi để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Ngồi trầm ngâm một góc bên chiếc xe kẹo bông gòn, ông Bảy cho biết, ông sinh ra trong một gia đình khá giả ở Tiền Giang, nhưng sau khi bị thực dân lấy hết tài sản, ông bắt đầu cuộc sống mưu sinh với nghề sửa máy móc để nuôi gia đình.
Cặm cụi với chiếc xe kẹo bông gòn, vừa là nơi kiếm thêm thu nhập, vừa giúp ông ngoại có thêm niềm vui tuổi xế chiều.
Dù tuổi đã cao nhưng ông ngoại vẫn miệt mài mưu sinh, không muốn làm phiền đến con cháu.
Lũ trẻ hồn nhiên sau khi nhận kẹo từ ông ngoại.
Trong một lần vô tình sửa máy trong xưởng đường thấy người ta xử lý mía thành đường trắng tinh, ông Bảy mới đánh liều chế ra cái máy đốt đường tạo thành kẹo bông gòn. Sau nhiều lần thất bại thì ông Bảy mới cho ra cái máy cho ra được "kẹo mây".
Dù cuộc sống mưu sinh vất vả, kinh tế khó khăn nhưng lúc nào ông Bảy cũng lạc quan, yêu đời. Chiếc xe máy cũ kỹ cũng trở thành người bạn đồng hành cùng ông ngót nghét mấy chục năm trời.
Ông ngoại lau chùi chiếc xe kẹo cẩn thận.
Mỗi ngày, ông ngoại đều chạy trên chiếc xe máy cũ để đi bán kẹo.
Rồi lúc rảnh rỗi, ngoại ghi lại những bài hát ngoại yêu thích.
"Có người hỏi ngoại sao lớn tuổi vầy mà lại đi bán kẹo, không ở nhà cho con cháu nó phụng dưỡng. Ngoại tuy lớn thật nhưng còn khỏe lắm, ở nhà không chịu được đâu con, nghỉ một bữa là chân tay bứt rứt lắm. Với đi bán thì mới có sức khỏe được chứ ở nhà càng dễ bệnh", ông Bảy cười giòn tan nói.
Bán kẹo bông gòn hơn 70 năm, ông Bảy tạo được cho mình được một thương hiệu riêng biệt, rất đỗi gần gũi, thân thương: "Kẹo bông gòn ông ngoại". Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng "ông ngoại" vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn với cách nói chuyện đầy duyên dáng, hóm hỉnh đậm chất miền Tây. Chỉ vào tấm bảng hiệu kẹo bông gòn, ông Bảy cho biết cái lời lớn nhất của ông suốt 70 năm là hai chữ "ông ngoại" mà bao thế hệ học sinh Sài Gòn dành cho ông.
Thương hiệu kẹo ông ngoại đã có từ rất lâu.
Tụi nhỏ vây quanh xe kẹo bông gòn của ngoại mỗi giờ ra chơi, tan trường.
Một em bé ăn ngon lành kẹo bông gòn của ngoại.
"Những ngày ngoại bị bệnh không đi bán được, không nghe hai tiếng "ông ngoại" của lũ trẻ thì ông lại buồn. Ông ngoại đi bán kẹo ở khắp nơi, lúc còn trẻ sức khỏe còn tốt ông đi tới tận các trường ở Bình Dương, Thủ Đức..., để bán, bây giờ già chỉ bán mấy trường gần gần ở quận 4 thôi", ông Bảy nói.
Không chỉ bán kẹo, ông còn dạy cho lũ nhỏ về cách làm người, đứa nào không có tiền mua kẹo, phải nhìn bạn bè ăn, thấy thế ông Bảy không chịu được nên quay kẹo đến cho tụi nó. "Ông ngoại bán ở trường Sương Nguyệt Anh có 15 đứa học trò nó mù, ông ngoại cho 15 đứa 15 cây nó cảm ơn. Lúc nghe tụi nhỏ nói từ nhỏ đến giờ chưa biết kẹo bông gòn ra sao, ngoại nghe mà đứt ruột, thương tụi nhỏ tật nguyền", ông Bảy xúc động khi nhắc đến những đứa trẻ kém may mắn.
Vẻ mặt thích thú của một bé trai khi cầm chiếc kẹo bông gòn của ngoại.
Đường để quay kẹo bông gòn đều tự tay ông ngoại chế biến lại vì sợ làm ảnh hưởng đến sức khỏe tụi học trò.
Mọi quy trình làm kẹo đều do một tay ngoại thực hiện.
"Lúc trước nhà ngoại khó khăn lắm, một mình ngoại phải đi bán kẹo để nuôi vợ và 4 đứa con. Giờ thì vì niềm vui tuổi già, cũng muốn đỡ đần thêm cho con cháu, mình còn sức khỏe, còn lao động kiếm tiền được mà", ông Bảy vui vẻ nói.
Tuy đã lớn tuổi nhưng ông ngoại vẫn còn khỏe mạnh và yêu đời.
Ngắm nhìn chiếc kẹo bông gòn của ngoại một cách say mê.
Nhiều lúc mưu sinh vất vả, ngoại phải nghỉ mệt để lau mồ hôi.
Cho dù biết bản thân chẳng còn bao sức lực, những ngày tháng còn lại ít ỏi trên cuộc đời nhưng ngoại Bảy vẫn luôn lạc quan, nghĩ về phía trước. Nhìn hình ảnh một cụ già tóc bạc trắng, nụ cười hiền hậu cặm cụi xoay những chiếc kẹo bông gòn trắng tinh, đôi khi mệt dừng tay lại nghỉ với đôi vai ướt đẫm mồ hôi khiến bao người xúc động.
Dẫu cho cuộc sống của ngoại Bảy đã đỡ vất vả hơn trước nhưng ngoại vẫn luôn cố gắng vì gia đình, vì con cái, muốn tự kiếm tiền bằng chính bàn tay lao động của mình. Và hơn hết, cũng từ tình yêu của ngoại dành cho tụi học trò, nơi hương vị ngọt lịm, thơm phức của những chiếc kẹo bông gòn "ông ngoại" được trao tận tay tụi nhỏ.
Những chiếc kẹo bông gòn được trao tay.
Hơn 70 năm, ngoại vẫn miệt mài mưu sinh.
Hình ảnh một cụ ông tóc bạc trắng, nụ cười hiền hậu đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Sài Gòn.