Từ huyện miền núi Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, cô Nông Thị Tuyết, người dân tộc Tày, hơn chục năm nay gắn bó với các học sinh Xơ Đăng của Trường Phổ thông bán trú tiểu học Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.
Biết bao lần rơi nước mắt
Cô Tuyết tâm sự, vì mẹ cô là giáo viên nên từ nhỏ cô đã mơ trở thành nhà giáo. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Kon Tum năm 2005, cô Tuyết tình nguyện đến dạy học tại Trường Tiểu học Đắk Na, mang cái chữ đến với bà con dân tộc. “Những ngày đầu đến trường, tôi bị “choáng” vì học sinh khổ quá. Trường học thì tạm bợ, đường toàn đá, học sinh đi học hàng giờ mới đến trường, quần áo không có mặc. Nhiều khi học sinh bỏ học, các cô phải đến tận nhà vận động. Thà không nhìn thấy hoàn cảnh gia đình các em thì thôi, nhìn thấy là đau đớn” - cô Tuyết kể.
Giáo viên này cho biết, đến nay đa số học sinh vẫn còn phải ăn cơm với lá mì (sắn), nấu canh với ít muối. Lâu lâu được cô giáo cho miếng cá khô thì có cá, hôm nào bố mẹ đi rẫy đào được con dế thì có dế mà ăn, còn không chỉ có cơm với canh lá mì. Học trò khổ, các thầy cô cắm bản cũng vất vả không kém. Cô Tuyết và chồng (cũng là giáo viên cắm bản) hằng ngày cần mẫn với hành trình cõng chữ lên non, dạy cái chữ cho học sinh vùng khó.
Từ trái qua: Cô Lê Thị Hằng, thầy Nguyễn Văn Bình và cô Nông Thị Tuyết.
Mái tóc bạc màu hằn rõ sự vất vả cùng những nếp nhăn của thời gian, 36 năm gắn bó với nghề giáo, cô Lê Thị Hằng - giáo viên Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa - có tới 5 năm dạy học ở vùng biên giới, 15 năm cắm bản dạy điểm lẻ. Cô Hằng kể năm đầu tiên đến dạy ở Đồng Lương, cô đã khóc, khóc không phải vì mình sống với điều kiện khắc khổ trong căn nhà giáo viên tranh tre nứa lá mà khóc vì thương học trò khi thấy bữa ăn của các con là một cục cơm nguội và nhúm muối bỏ vào bàn tay. Qua bao nhiều ngày, học trò ở đây vẫn thường xuyên sáng nhịn, trưa và tối chủ yếu khoai sắn, gần đây mới được bát cơm với rau rừng, hiếm khi nhìn thấy miếng thịt. Và cô lại khóc khi nhìn thấy em bé lớp 2 mặc manh áo mỏng tang, lạnh run người đến lớp, hỏi ra mới biết là đói, đến khi cô giáo nấu cho gói mì, ăn vào em mới trở lại bình thường.
Thương học trò nghèo nên dù cấp trên muốn cho cô về xuôi vì tuổi đã nhiều, cô Hằng vẫn xin ở lại bám bản. “Vài năm nữa là về hưu, nguyện vọng của tôi là ở lại với học trò” - cô Hằng quyết tâm. Suốt cuộc chuyện trò, cô Hằng nghẹn ngào xúc động về 19 đứa trẻ ở điểm trường của mình. Những đứa trẻ người Mường quanh năm sống ở bản Thung, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài vì đường sá quá trắc trở.
Chỉ mong học trò có chữ vào đời
Gieo chữ trên những vùng đất đặc biệt khó khăn nhưng khi được hỏi, không một giáo viên cắm bản nào nói họ nản lòng. Thầy Nguyễn Văn Bình, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi tâm sự vì sinh ra ở miền biển, quê nghèo, trẻ con ít được đi học nên khát khao của thầy là được dạy chữ cho các con, để chúng lớn lên có một tương lai tốt đẹp hơn bố mẹ mình. “Điểm trường của chúng tôi chỉ có những lớp học tranh tre nứa lá, thời tiết thì khắc nghiệt, đường sá thì khó khăn. Ban đầu tôi hơi buồn nhưng chính tình cảm của những đứa trẻ nghèo, nghèo đến mức không có dép đến lớp, không có quần áo để mặc nhưng luôn chăm chú nghe giảng đã xóa đi mọi thứ. Và tôi biết trách nhiệm của tôi là phải ở đó, phải giúp các em lớn lên có cái chữ để ra đời” - thầy Bình nói.
Tâm sự của thầy Bình cũng là nỗi niềm của cô Hằng, cô Tuyết. Cô Tuyết bảo, cô chưa bao giờ nản lòng vì sự vất vả, cô đơn của cô không thấm gì so với những khó khăn đang chờ các em phía trước. Mỗi tháng về thăm nhà, bao giờ trong hành trình trở lại, cô Tuyết cũng gùi theo vài chục cái bút, vài chục cuốn vở mới, thậm chí là cả chút đồ ăn cho các em.
Bám bản, cô Nông Thị Tuyết gửi 2 con của mình, một 4 tuổi, một học lớp 4 cho mẹ đẻ trông hộ. “Có lúc tôi cũng thấy buồn, nghĩ mình là giáo viên mà con mình lại không có thời gian gần gũi, dạy dỗ. Nhưng rồi cứ nghĩ đến những đứa trẻ nghèo đi bộ hàng giờ đến lớp đang chờ cô giáo để học chữ, mọi nỗi buồn vơi đi...” - cô Tuyết xúc động chia sẻ.
Tuyên dương 64 “Giáo viên cắm bản” tiêu biểu Tối 12/11, lễ tuyên dương 64 “Giáo viên cắm bản” tiêu biểu đang công tác tại các trường học điểm lẻ thuộc 64 huyện nghèo đã được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức tại Hà Nội. Để đem “con chữ” đến cho các em học sinh vùng cao, hàng ngàn “Giáo viên cắm bản” đã hy sinh tuổi trẻ, vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, thậm chí nhường cơm sẻ áo, đồng hành với các học sinh trong sự nghiệp trồng người. |