Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ có 15 trường mầm non, 293 lớp với 6.983 học sinh. Toàn ngành mới đáp ứng được cơ bản bộ đồ dùng, đồ chơi theo quy định, theo nhu cầu còn thiếu nhiều đồ dùng, đồ chơi, chủ yếu là các đồ chơi ngoài trời tại các điểm trường lẻ xa trung tâm. Ngoài ra, đồ chơi ngoài trời còn ít về số lượng và chủng loại. Chính vì vậy, việc làm đồ dùng, đồ chơi là hết sức cần thiết để phục vụ đắc lực trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ tại các trường mầm non.
Đây là khó khăn chung của ngành nên trong những năm học qua, phong trào làm đồ dùng, đồ chơi dạy học được các trường mầm non triển khai mạnh mẽ. Rất nhiều đồ dùng, đồ chơi được tạo ra và đưa vào sử dụng hiệu quả.
Tại các trường mầm non, hiện có rất nhiều đồ dùng, đồ chơi độc đáo, đẹp, lạ được chính tay các cô giáo và các em học sinh làm từ các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như tre, nứa, đá, sỏi, vỏ hộp các loại, chai, lon... Và những nguyên vật liệu này lại được chính cha mẹ học sinh nhặt từ dòng suối Nậm Pồ tại địa phương mang đến cho cô giáo.
Cô giáo Lèng Thị Dương, trường mầm non Chà Cang chia sẻ: “Để tạo ra sự khác biệt từ các đồ chơi em làm các năm học trước, tôi đã lựa chọn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để tạo thật nhiều đồ chơi mới, lạ cho các em học sinh tránh nhàm chán mà lại tăng hiệu quả học tập, vui chơi”.
Trong một thời gian ngắn các nhà trường vừa phải tham gia công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ vừa phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nhưng mỗi giáo viên mầm non vẫn dành một khoảng thời gian để làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Các đồ dùng, đồ chơi từ tay các cô giáo tạo ra không chỉ phong phú về số lượng, chủng loại mà còn rất sáng tạo, có độ bền cao, đẹp về thẩm mĩ, an toàn, thân thiện; thu hút và hấp dẫn trẻ.
Nhận xét về cách làm này, cô Hoàng Thị Bích, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao tinh thần thực hiện và kết quả của phong trào, mong rằng trong các năm học tiếp theo mỗi cô giáo mầm non lại tiếp tục phát huy hết tài năng sáng tạo, đam mê với nghề để tạo thêm nhiều đồ dùng, đồ chơi mới để đưa vào sự dụng hiệu quả trong các nhà trường”.
Có thể thấy, đây là một phong trào đã và đang được đông đảo giáo viên mầm non nhiệt tình tham gia hưởng ứng. Góp phần phục vụ thiết thực cho các hoạt động giáo dục theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non trên phạm vi toàn huyện.