Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tích cực triển khai thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”

Quảng Nam là địa phương chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là tỉnh có số lượng đối tượng chính sách người có công với cách mạng cao (chiếm trên 20% dân số).

Lễ phát động phụng dưỡng mẹ VNAH.

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm qua, cùng với sự nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sau 18 năm tỉnh Quảng Nam trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam luôn xác định công tác Thương binh liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước.  

Để thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công, công tác xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng được xem là nhiệu vụ hàng đầu. Từ năm 1997 đến năm 2015, tỉnh Quảng Nam đã xác nhận và thực hiện chế độ trợ cấp cho 10.884 liệt sĩ; 3.610 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 4.039 bệnh binh; 38.198 người có công giúp đỡ cách mạng; 5.030 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 6.165 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 33.146 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; phong tặng và truy tặng 7.016 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (nâng tổng số Bà mẹ VNAH toàn tỉnh lên 11.659 Mẹ, trong đó có 2.541 Mẹ được phong tặng, hiện còn sống 1.095 Mẹ). Hiện nay, toàn tỉnh có trên 53.000 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng, hàng chục ngàn người hưởng trợ cấp một lần, kinh phí chi trả trợ cấp cho người có công khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Ông Huỳnh Tấn Triều.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều phong trào tình nghĩa được phát động và ngày càng nhân rộng, như: phong trào “Áo lụa tặng Bà”, “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “Người dâu hiếu thảo” được hàng ngàn hội viên, đoàn viên của Hội Liên Hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện góp phần động viên, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ, thương bệnh binh, thể hiện trách nhiệm và nghĩa tình sâu sắc. Đến nay, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được nhận phụng dưỡng, mức phụng dưỡng bình quân 800.000 đồng/Mẹ/tháng. Các thương bệnh binh nặng về an dưỡng ở gia đình có công việc ổn định, con của họ được hỗ trợ về học tập, đào tạo, việc làm. Toàn tỉnh có gần 99% số hộ người có công có đời sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của nhân dân trên địa bàn cư trú; có 241 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công, đạt trên 98,7% so với tổng số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 88,663 tỷ đồng góp phần vào việc xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, xóa nhà tạm cho đối tượng chính sách, tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ; vận động tặng 12.377 sổ tiết kiệm tình nghĩa, tổng giá trị trên 9,666 tỷ đồng.

Cùng với việc thực hiện chế độ ưu đãi, thì việc chăm sóc sức khoẻ, nâng cao đời sống tinh thần người có công cũng được quan tâm. Trong những năm gần đây, mỗi năm tổ chức điều dưỡng thường xuyên và luân phiên cho gần 20.000 lượt người (trong đó: điều dưỡng tập trung gần 2.500 lượt người, điều dưỡng tại gia đình gần 17.500 lượt người). Cơ sở vật chất, trang thiết bị Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam được đầu tư nâng cấp, mở rộng, mua sắm; đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, chịu khó đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng điều dưỡng người có công tại Trung tâm. Cùng với Nhà nước, nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức thăm khám sức khoẻ, cấp thuốc điều trị chữa bệnh cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh.  

Thực hiện chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công. Từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh đã vận động trên 768 tỷ đồng để hỗ trợ cải thiện 35.682 nhà ở, nhà tình nghĩa góp phần ổn định cuộc sống, cải thiện nơi ở người có công, nơi thờ tự các Anh hùng liệt sỹ ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, đã hỗ trợ trên 8,575 tỷ đồng cho 343 trường hợp là cán bộ Lão thành cách mạng theo Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg và hàng ngàn trường hợp được hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất khi mua nhà ở, đất ở theo Quyết định số 1150/QĐ-UB ngày 03/7/1998 của UBND tỉnh. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về việc hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công với cách mạng, ngày 05/9/2013 UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh (tại Quyết định số 2740/QĐ-UBND và điều chỉnh tại Quyết định số 3363/QĐ-UBND ngày 30/10/2013). Theo Đề án đã được phê duyệt điều chỉnh, tỉnh Quảng Nam có nhu cầu hỗ trợ tổng cộng 22.633 nhà (trong đó: xây mới 7.164 nhà, sửa chữa 15.469 nhà). Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện hoàn thành 10.263 nhà (trong đó: 4.104 nhà xây mới; 6.159 nhà sửa chữa), số nhà đang triển khai thực hiện là: 1.089 nhà (405 nhà xây mới, 684 nhà sửa chữa), số nhà còn lại sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2 là 11.281 nhà.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Bí thư tỉnh ủyủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam tặng quà cho các mẹ VNAH.

Để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các thân nhân liệt sỹ trong việc thăm viếng mộ phần, trong những năm qua, ngoài kinh phí hỗ trợ của Trung ương, đã huy động trên 205 tỷ đồng nâng cấp gần 40 nghĩa trang liệt sĩ, xây 70 đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ và nhiều công trình ghi công liệt sỹ khác; sửa chữa, tôn tạo 69.801 lượt mộ liệt sỹ (trong đó: 52.207 mộ trong nghĩa trang liệt sỹ). Tổ chức tìm kiếm quy tập hơn 700 hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang liệt sỹ cấp huyện, hơn 100 hài cốt liệt sỹ được đưa vào nghĩa trang gia tộc; di chuyển 532 hài cốt liệt sỹ trên địa bàn tỉnh về nguyên quán. Đến nay, toàn tỉnh có 130 nghĩa trang liệt sỹ (trong đó có: 01 nghĩa trang liệt sỹ cấp tỉnh, 12 nghĩa trang liệt sỹ cấp huyện, 117 nghĩa trang liệt sỹ cấp xã), 6 Đền thờ liệt sỹ và Khu tưởng niệm liệt sỹ cấp huyện; đã quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ gần 60.000 mộ liệt sỹ, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sỹ là con em của hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước đã công tác, chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Quảng Nam và trên 22.000 mộ liệt sỹ được an táng tại nghĩa trang gia tộc. Một số nghĩa trang liệt sỹ, đền thờ liệt sỹ được đầu tư xây dựng trên khuôn viên rộng, vị trí đẹp, thẩm mỹ, kiến trúc truyền thống và đảm bảo chất lượng, thể hiện là công trình lịch sử, văn hoá như: nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Quảng Nam, nghĩa trang liệt sỹ thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, thành phố Tam Kỳ...

Những năm qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh phong trào chóc sóc nghĩa trang, đền thờ, các công trình ghi công liệt sỹ được các trường học, cơ sở Đoàn Thanh niên, tổ chức học sinh, đoàn viên thanh niên chăm sóc, nhân ngày 27/7 hằng năm tổ chức thắp nến tri ân thể hiện lòng biết ơn của thế hệ trẻ hôm nay với các anh hùng liệt sỹ.

Công tác đền ơn đáp nghĩa ở tỉnh Quảng Nam trong những năm qua tuy đã đạt được những kết quả to lớn, nhưng trong điều kiện của một tỉnh có đối tượng người có công cao nhưng điểm xuất phát thấp, nguồn thu ngân sách còn ít, nguồn lực vận động trong cộng đồng nhất là nguồn lực tại chỗ còn hạn chế nên đời sống của người có công còn khó khăn, một bộ phận người có công còn nghèo; nhiều nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ đã xuống cấp chưa được nâng cấp, sửa chữa; một số huyện, xã mới được chia tách chưa có công trình ghi công liệt sỹ để thăm viếng, hương khói khi lễ, tết,...

Để thực hiện tốt hơn công tác tác Đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công trong thời gian đến, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là. Đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, tiếp tục khẳng định công tác “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách ưu đãi để người có công, nhân dân biết tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện.

Hai là. Phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể tiếp tục “Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia công tác Đền ơn đáp nghĩa” nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người có công,… phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản giải quyết xong chế độ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đảm bảo người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú và có 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác Thương binh liệt sỹ.

Ba là. Tập trung rà soát, xác lập hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn sót theo quy định; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân, nhất là các chế độ, chính sách mới ban hành.

Bốn là. Tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác vận động, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để sửa chữa, tôn tạo, xây mới các công trình ghi công liệt sỹ bảo đảm trang nghiêm, sạch đẹp; tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công giai đoạn 2015 - 2020 và Đề án nâng cấp, tôn tạo, sửa chữa mộ, nghĩa trang liệt sỹ giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo.

 Năm là. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kịp thời xem xét xử lý những sai phạm, tiêu cực trong việc tổ chức thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi người có công, đảm bảo việc thực hiện các chủ trương chính sách, chế độ ưu đãi ngày càng tốt hơn./.