Sau khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tai KCX Tân Thuận và Quân khu 7, chiều 31/5, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ngành Y tế TP.HCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Tham gia cùng đoàn công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình còn có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Đại diện Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và lãnh đạo UBND TP.HCM.
Tại buổi làm việc, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP đã chuẩn bị phương án 5.000 ca bệnh, hiện TP có 1.944 giường bệnh điều trị cho bệnh nhân Covid-19, phân bố ở 7 bệnh viện.
Theo đó, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ có 600 giường, Bệnh viện dã chiến Củ Chi (300), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (400), Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (500), Bệnh viện Nhi đồng TP (100) và Bệnh viện Nhi đồng 2 (44). Ngoài ra, TP còn có 202 giường hồi sức tích cực ở 7 bệnh viện trên.
Đây là số giường và các bệnh viện sẽ tiếp nhận người mắc Covid-19 trong giai đoạn có ca nhiễm cộng đồng và dịch còn kiểm soát được.
Các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM hiện đang điều trị cho 221 bệnh nhân dương tính, trong đó có có 1 ca nặng từ an giang chuyển về, đang thở máy.
Hiện TP đã sẵn sàng 200 giường hồi sức, máy thở, máy tim phổi nhân tạo (ECMO) tại các bệnh viện tuyến cuối (mỗi bệnh viện tuyến cuối có 2 ECMO). Đối với phương án xấu nhất, có thể tập trung 2.000 giường, sẵn sàng bố trí 1 đơn vị không thuộc y tế thêm 3.000 giường.
Qua nghe báo cáo của Sở Y tế, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu TP.HCM phải quyết liệt tiêm cho hết vắc xin Astra Zeneca. "Có thể cuối tháng 7 vắc xin Pfizer sẽ về, TP phải tính toán đối tượng, số lượng tiêm, mục tiêu là bảo vệ tuyến đầu như y tế, quân đội...", Phó Thủ tướng thông tin.
Việc tiêm chủng vắc xin cũng phải tính toán kỹ lưỡng. TP phải tạo điều kiện để các chủ doanh nghiệp cũng tham gia bằng cách xã hội hóa để tiêm vắc xin cho công nhân lao động để duy trì lực lượng sản xuất.
"Đẩy mạnh tiêm vắc xin càng nhanh càng tốt, có như vậy mới chủ động được. TP.HCM phải đi trước một bước, không thể chậm", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã đến kiểm tra phòng, chống dịch tại 3 doanh nghiệp trong KCX Tân Thuận (quận 7).
Tại đây, Phó Thủ tướng cho biết, mặc dù số ca mắc tại TP.HCM là thấp nhất so với các điểm nóng khác nhưng nguy cơ bùng phát tại Thành phố là rất cao. Nếu để dịch bùng phát trên địa bàn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, đến phát triển kinh tế của TP. Do vậy, để hoạt động sản xuất ổn định thì công tác bảo đảm an toàn phải được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc.
Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các doanh nghiệp tuyệt đối không được lơ là, phải thường xuyên cập nhật, rà soát, bổ sung các hướng dẫn phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, phải đánh giá được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tới từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất; chủ động các phương án chống dịch để không bị động.
Bài học ở các tỉnh để lây nhiễm lớn trong khu công nghiệp đều do chủ quan, không kiểm soát tốt, để mầm bệnh từ cộng đồng lây nhiễm vào và bị động trong xử lý.
Đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ, nêu cao tính kỷ luật của người lao động. Cùng với đó, quan tâm chăm lo đời sống, điều kiện làm việc giãn cách để người lao động yên tâm làm việc.
Theo kế hoạch, sau chuyến kiểm tra khu chế xuất Tân Thuận, KTX Đại học Quốc gia, làm việc với Quân khu 7, Sở Y tế TP.HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và đoàn kiểm tra sẽ có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM vào sáng ngày 1/6.