Ông Lê Văn Bé Chín, GĐ Trung tâm công tác xã hội Tiền Giang cho biết: Trong những năm qua, tập thể Ban Giám đốc và nhân viên Trung tâm đã không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và quản lý đối tượng từ việc đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người là đủ ăn, đủ mặc. Trung tâm còn vươn xa hơn là đảm bảo cho đối tượng được ăn ngon mặc đẹp. Bên cạnh đó việc phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí thông qua nhiều hình thức như lao động trị liệu, giải trí trị liệu, vận động trị liệu thông qua các bài tập thể dục buổi sáng, các buổi lao động ngoài trời, tham gia các trò chơi dân gian phù hợp với sức khỏe và từng độ tuổi của đối tượng.
Vận động trị liệu thông qua các bài tập thể dục buổi sáng cho đối tượng tại trung tâm
Dù áp dụng các hình thức phục hồi khác nhau cho từng nhóm đối tượng khác nhau nhưng mục đích cuối cùng vẫn là làm sao để cho đối tượng của Trung tâm có một sức khỏe tốt nhất, đó cũng là mong muốn lớn nhất của tập thể nhân viên Trung tâm.
Riêng việc thực hiện Đề án 1215 của Thủ tướng Chính phủ về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020 góp phần đưa nhiều đối tượng về hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, năm 2016 Trung tâm đưa 10 đối tượng đã được phục hồi về hòa nhập cộng đồng. Theo kế hoạch năm 2017, Trung tâm sẽ phối hợp với phòng Lao động –Thương binh và Xã hội các huyện, thành, thị trong tỉnh để tổ chức đưa 40 đối tượng lên Trung tâm để phục hồi 6 tháng. Công việc phục hồi chức năng cho đối tượng tuy còn mới đối với Trung tâm nhưng với sự nỗ lực của tập thể công chức, viên chức chắc chắn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho người bệnh tâm thần.